Tạ Căn Vĩnh sinh năm 1960 ở Hồ Châu, Chiết Giang, từng là một trong những người giàu có nhất Trung Quốc vào năm 2003. Tuy nhiên, ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, người đàn ông này lại rơi vào vòng lao lý vì tội lừa đảo. Vụ việc này từng gây rúng động đất nước tỷ dân vào thời điểm đó.
Theo Sohu, Tạ Căn Vĩnh chỉ có trình độ trung học cơ sở. Tuy nhiên, người đàn ông này lại có được sự nhạy bén hơn người trong kinh doanh nên đã nhanh chóng đổi đời.
Vào cuối những năm 1980, Tạ Căn Vĩnh đến vùng biên giới Trung Quốc buôn bán quần áo. Công việc này giúp ông nhanh chóng kiếm được hũ vàng đầu tiên trong sự nghiệp. Đến giữa những năm 1990, Tạ Căn Vĩnh chuyển sang kinh doanh bia và mở một nhà máy bia ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh. Sau khi có được những thành công nhất định, ông lại tiếp tục thử sức ở lĩnh vực bất động sản.
Cuối năm 1999, một dự án BĐS đang được phát triển ở Bắc Kinh thu hút sự chú ý của nhiều nhà phát triển bất động sản. Tuy nhiên, dự án này quá lớn, 2 công ty BĐS đã có ý định phát triển nó đành phải chuyển nhượng cho công ty của Tạ Căn Vĩnh với giá 440 triệu NDT (hơn 1.532 tỷ đồng) vì không đủ khả năng đầu tư.
Trên thực tế, Tạ Căn Vĩnh không có nhiều tiền như vậy. Thế nhưng bằng nhiều cách khác nhau, người đàn ông này đã có được khoản vay 660 triệu NDT (hơn 2.229 tỷ đồng) từ ngân hàng. Ngoài trả phí chuyển nhượng, số dư của khoản vay trên còn được vị đại gia này sử dụng làm chi phí phát triển cho dự án BĐS. Tuy nhiên, đó chỉ là cách để Tạ Căn Vĩnh che đậy đi bản chất thật của mình. Thực chất, sau khi có tiền, người đàn ông này không quan tâm đến việc phát triển dự án trên mà dùng tiền để hưởng thụ cuộc sống.
Cứ như vậy, 2 năm trôi qua nhưng dự án BĐS trên của Tạ Căn Vĩnh vẫn dang dở. Không những vậy, công ty của vị đại gia này cũng rơi vào khủng hoảng, có nguy cơ phá sản. Vào cuối năm 2002, nhận thấy Tạ Căn Vĩnh không có khả năng trả khoản vay nên Chủ tịch và Phó chủ tịch ngân hàng đã tìm đến người đàn ông này để làm rõ vấn đề.
Đối mặt với tình huống này, Tạ Căn Vĩnh không hề tỏ ra hoảng sợ. Mặc dù công ty đang thua lỗ nhưng người này lại có trong tay một bản báo cáo tài chính đầy hứa hẹn. Không những vậy, để phía ngân hàng yên lòng về tình hình tài chính của mình, Tạ Căn Vĩnh còn mời 2 vị lãnh đạo này đến thăm phòng triển lãm đồ cổ do ông thành lập.
Tại đây, Tạ Căn Vĩnh cho họ thấy bộ áo giáp ngọc bích quý hiếm từ thời Tây Hán được các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khảo cổ Trung Quốc định giá hơn 2,4 tỷ NDT (hơn 8.361 tỷ đồng). Bộ giáp ngọc bích này được thêu chỉ vàng và chỉ dành cho hoàng đế. Cho đến nay, chỉ có hơn 20 bộ giáp ngọc bích như vậy được khai quật trên khắp Trung Quốc. Đây là một bảo vật vô cùng quý giá, cho thấy độ tinh xảo bậc nhất của kĩ thuật thời Hán đồng thời cũng là một biểu tượng thể hiện sự xa hoa, quyền quý.
Sau khi xem đủ các loại giấy tờ xác nhận nguồn gốc của bộ áo giáp nói trên, 2 vị lãnh đạo ngân hàng dần lấy lại niềm tin với Tạ Căn Vĩnh. Thậm chí, qua trao đổi, họ còn đồng ý cho người đàn ông này vay thêm 50 triệu NDT (hơn 174 tỷ đồng).
Hành vi của Tạ Căn Vĩnh dễ dàng qua mặt được vô số người cho đến năm 2008, dưới sự điều tra của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, những việc làm sai trái của đại gia này mới được đưa ra ánh sáng. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Tạ Căn Vĩnh đã làm giả 555 hợp đồng thế chấp BĐS nhằm lừa đảo khoản vay 660 triệu NDT của ngân hàng.
Chưa dừng lại ở đó, bộ áo giáp ngọc bích của ông cũng chỉ là đồ giả. Để qua mặt được các lãnh đạo ngân hàng, Tạ Căn Vĩnh đã chi 20.000 NDT (gần 70 triệu) sản xuất chúng rồi tiếp tục bỏ hồng bao mời 5 chuyên gia đồ cổ hàng đầu đến giúp mình “thẩm định” món đồ trên.
Kỳ công là vậy nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, kẻ lừa đảo Tạ Căn Vĩnh cuối cùng phải nhận cái kết đắng trước vành móng ngựa. Theo Sohu, với những tội danh của mình, Tạ Căn Vĩnh bị tòa án Trung Quốc kết án tù chung thân. Những đối tượng liên quan đến vụ án này cũng bị bắt giữ. Vụ án lừa đảo chấn động năm nào cũng đến hồi kết.