Thứ hai, Tháng Một 13, 2025
spot_img

Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương bỏ ‘ngoài tai’ báo cáo can gián, dẫn tới thiệt hại nghìn tỷ


Đây là lần thứ ba cơ quan điều tra bổ sung hồ sơ vụ án, và giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố đối với 12 bị can.

Theo kết luận điều tra, năm 2017, sau khi dự án điện hạt nhân bị hủy, Thủ tướng ban hành quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, với giá mua điện ưu đãi 9,35 UScents/kWh, áp dụng đến hết tháng 6/2019.

Ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Công Thương. Ảnh: Báo Công Thương

Giai đoạn 2016–2018, tại Ninh Thuận, ngoài 3 dự án điện mặt trời đã có, Thủ tướng phê duyệt bổ sung 5 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, và Bộ Công thương phê duyệt bổ sung thêm 24 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh Ninh Thuận.

Cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, do ông Nguyễn Tâm Thịnh đại diện pháp luật, đề xuất dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam công suất 50 MW và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận, sau đó gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VII. Tuy nhiên, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chỉ xem xét các dự án đã hoàn thành thẩm định, Bộ Công thương tạm dừng việc bổ sung dự án này.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115, cho phép các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận được hưởng giá bán ưu đãi 9,35 UScents/kWh đến hết năm 2020, thay vì chỉ áp dụng đến tháng 6/2019 như quyết định trước đó.

Xem thêm  Công an TP HCM bắt giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh VAMC

Tháng 4/2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo thay đổi nội dung dự thảo theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng chính sách giá ưu đãi cho các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực. Bộ Công thương thành lập Tổ soạn thảo Dự thảo Quyết định số 13/2020 /QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có nội dung quy định áp dụng giá ưu đãi cho các dự án tại Ninh Thuận vận hành trước ngày 1/1/2021, với tổng công suất không quá 2.000 MW.

Theo kết luận điều tra bổ sung, trong quá trình xây dựng dự thảo, các cá nhân này đã tham mưu và đề xuất nội dung Quyết định số 13 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 115 NQ-CP của Chính phủ, giới hạn đối tượng hưởng chính sách ưu đãi là các dự án “đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai”. Tuy nhiên, bị can Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo điều chỉnh, mở rộng đối tượng áp dụng sang các dự án “đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp”.

Đáng chú ý, các thành viên tổ soạn thảo gồm ông Đỗ Đức Quân, ông Nguyễn Ninh Hải và bà Phạm Thùy Dung nhận thấy nội dung điều chỉnh này không phù hợp với Nghị quyết số 115, nên đã hai lần báo cáo lại. Dù vậy, bị can Hoàng Quốc Vượng vẫn yêu cầu giữ nguyên nội dung điều chỉnh này. Theo chỉ đạo của ông Vượng, các cá nhân trên đã thực hiện việc đưa diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi vào Dự thảo Quyết định số 13, dẫn đến vi phạm Nghị quyết số 115/NQ-CP.

Xem thêm  Bắt hai đối tượng dùng búa cướp tiệm vàng

Bên cạnh đó, Tổ soạn thảo đã không thông qua toàn bộ thành viên mà chỉ lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, EVN, đồng thời không đề xuất lấy ý kiến bổ sung từ các bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Khi thẩm định, Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm định không biết Bộ Công thương điều chỉnh diện đối tượng mở rộng hơn so với Nghị quyết số 115/NQ- CP. Về việc này, theo báo cáo của Bộ Công thương, tại thời điểm thẩm định, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có 1.927 MW điện mặt trời được phê duyệt quy hoạch, nằm trong phạm vi 2.000 MW mà Chính phủ chấp thuận cho triển khai.

Mặc dù Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết 115 , song bị can Hoàng Quốc Vượng vẫn gửi tờ trình dự thảo với nội dung mở rộng trên. Tháng 4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành Quyết định số 13/2020, kết luận nêu.

Ông Hoàng Quốc Vượng cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng

Hệ quả là, tại Ninh Thuận có 30 dự án được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 UScents/kWh, trong đó 2 dự án không đủ điều kiện theo Nghị quyết 115 là Solar Farm Nhơn Hải và Trung Nam – Thuận Nam. Việc trả tiền ưu đãi cho hai dự án này gây thiệt hại 1.043 tỷ đồng cho EVN, bao gồm hơn 99 tỷ đồng từ Solar Farm Nhơn Hải và hơn 944 tỷ đồng từ Trung Nam – Thuận Nam. Trách nhiệm chính thuộc về bị can Hoàng Quốc Vượng và các đồng phạm.

Xem thêm  Khởi tố và ra lệnh tạm giam nhiều đối tượng liên quan vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Cơ quan điều tra xác định bị can Hoàng Quốc Vượng, cựu Chủ tịch EVN kiêm cựu Thứ trưởng Bộ Công thương , cùng bị can Phương Hoàng Kim , cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đã lợi dụng chức vụ để tham mưu ban hành các quy định mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi, trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ.

Ban đầu, thiệt hại do hành vi sai phạm được xác định là hơn 937 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, con số này tăng lên hơn 1.043 tỷ đồng, bao gồm các khoản tiền đã trả không đúng quy định cho các dự án điện mặt trời không đủ điều kiện.

Bộ Công an đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Vượng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Ngoài ông Vượng, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố ông Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cùng tội danh.

Theo kết luận điều tra, ông Hoàng Quốc Vượng khai, đã nhận 1,5 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Tuy nhiên, do chưa đủ tài liệu chứng minh động cơ, mục đích cụ thể của việc đưa và nhận tiền, trong khi thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ tiếp tục làm rõ trong giai đoạn tiếp theo.





Nguồn: Soha

Bài viết liên quan

Stay Connected

21,683Thành viênThích
2,707Người theo dõiTheo dõi
0Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Xem Nhiều