Định “nhảy việc” thì bất ngờ nhận thưởng “nhân viên xuất sắc” của năm!
Từng được nhận vào làm nhân viên văn phòng tại một công ty với mức lương 7 triệu đồng, nhưng khi ký hợp đồng, công ty lại nói rằng lương của Hà Anh chỉ có 5 triệu, sẽ tăng thêm sau khi cô chứng minh năng lực. Đây được xem là nguyên nhân đáng thất vọng đầu tiên khiến Hà Anh muốn bỏ việc ngay khi được nhận vào. Tuy nhiên, vì thời điểm đó cô mới ra trường, kiếm việc cũng phải cạnh tranh cao, nên Hà Anh tạm chấp nhận vào tin vào lời hứa hẹn của công ty.
Sau nửa năm làm việc, từ trưởng phòng tới sếp lớn đều công nhận rằng tôi rất chăm chỉ, cống hiến, có năng lực và hứa sẽ tăng lương cho tôi lên 8 triệu, nhưng quy trình xét duyệt quá loằng ngoằng, mãi không xong. Sếp liên tục gọi điện động viên nhưng chỉ hỏi sơ sơ và thường “quên” đề cập tới chuyện tăng lương. Phải tới 2 tháng sau đó, lương của tôi mới được tăng thêm 400 nghìn đồng. Điều này làm tôi vô cùng thất vọng và bất mãn về cách quản lý của công ty.
Nhìn rộng ra những đồng nghiệp bên cạnh, Hà Anh nhận thấy những người có thâm niên trên 4 năm cũng chỉ có mức lương cao nhất là 8 triệu đồng. Đặc biệt, trên trang tuyển dụng, công ty vẫn tiếp tục đăng tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn, nhưng thực tế khi vào làm lại không được như vậy. Trước cảnh “treo đầu dê bán thịt chó” của công ty, cô đã ấp ủ ý định nghỉ việc và âm thầm tìm “bến đỗ” mới.
Với kinh nghiệm 1 năm làm việc, tất nhiên Hà Anh không có nhiều lựa chọn, mức lương ở các công ty khác với cùng vị trí cũng không nhỉnh hơn đáng kể, nhưng điều cô kì vọng nhất chính là môi trường làm việc và cách quản lý nhất quán hơn so với chỗ làm hiện tại. Sau khi đã nhắm được một vị trí tốt, cô dự định cuối năm sẽ nộp đơn xin nghỉ để hưởng thụ một cái Tết nhàn nhã, tiện “xả hơi” trước khi bắt đầu công việc mới. Vì dù lương thưởng không đáng kể, nhưng chế độ trực tết ở công ty này lại khá “khốc liệt”.
Khi mọi việc đã được sắp xếp chu đáo, bất ngờ một sự kiện xảy ra, khiến Hà Anh “không kịp trở tay”: Giải Vàng cống hiến dành cho “Nhân viên Xuất sắc” của năm, thật ngạc nhiên, lại được trao cho chính cô, kèm theo tiền thưởng là một tháng lương: tương đương 5,4 triệu đồng. Sau một hồi suy nghĩ, Hà Anh cảm thấy quyết định này của công ty rất đúng đắn và công bằng.
Công bằng mà nói, cô đã làm việc chăm chỉ suốt một năm vừa qua, nên phần thưởng này, cô cho rằng mình xứng đáng được nhận. Trong đêm tiệc tất niên, Hà Anh bước lên sân khấu nhận giải kèm theo tiền thưởng. Giám đốc công ty, khi trao giải cho cô, còn kèm theo lời nhắn nhủ mong Hà Anh tiếp tục phấn đấu và phát huy, công ty ghi nhận mọi đóng góp và không để ai phải chịu thiệt.
Hà Anh gật gù như “nuốt từng lời” của giám đốc, và đợi đến hai ngày sau mới nộp đơn xin nghỉ việc. Dù nhận được những lời gièm pha từ đồng nghiệp, sự tức giận không hề giấu giếm của sếp, nhưng Hà Anh vẫn thản nhiên cho rằng: “Sống là phải thực tế. Đều là công sức của mình, hơn nữa còn là một tháng lương, tội gì mà không nhận!”.
Bài kiểm tra “năm từ đơn giản” cho biết đã đến lúc nghỉ việc chưa
Khi năm mới đến, mọi người muốn thay đổi cuộc sống và có khả năng tìm kiếm một công việc mới, bạn có thể khó biết được liệu việc nộp đơn xin nghỉ có phải là ý tưởng đúng đắn hay không.
Nếu bạn cảm thấy bối rối, nhà tâm lý học Tiến sĩ George Sik tiết lộ chỉ có năm từ khoá để giúp bạn đưa ra quyết định. Tiến sĩ Sik là một chuyên gia về trắc nghiệm tâm lý tại môi trường công sở; ông cho biết tất cả đều liên quan đến các giá trị cá nhân khi nói đến sự hài lòng trong công việc và hầu hết mọi người đều hạnh phúc khi các giá trị của họ được đáp ứng tại chốn công sở.
Ông chia sẻ rằng nếu năm hoặc thậm chí bốn giá trị hàng đầu của bạn được đáp ứng, bạn sẽ thấy vui vẻ, nhưng nếu thấp hơn, đó là lúc mọi người bắt đầu trở nên không vui và tìm cách chuyển sang công việc khác. Vì vậy, theo chuyên gia, việc tìm ra năm từ khoá (hoặc giá trị) của bạn là “thực sự đơn giản”.
Chuyên gia nói rằng bạn nên bắt đầu bằng cách nghĩ về một công việc mà bạn cảm thấy hạnh phúc nhất, và viết ra năm điều mà bạn thích nhất trong vai trò đó như sự sáng tạo, tự do, đạo đức, an ninh, quyền tự chủ, sự ổn định và tiền lương. Sau khi đã quyết định, bạn nên xem có bao nhiêu điều được thực hiện trong công việc hiện tại của mình.
Bài tập này là một ví dụ về ‘kiểm tra tâm lý’, mà Tiến sĩ Sik cho biết là tuyệt vời vì ‘không có câu trả lời sai’. Ông nói: “Nó liên quan đến việc cố gắng áp dụng ý nghĩa hoặc khả năng đo lường cho những điều thường không thể giải thích được – như sự hài lòng trong công việc ngoài mức lương và chức danh. Điều quan trọng là phải nghĩ về công việc mà bạn hạnh phúc nhất. Hoặc những khoảnh khắc trong công việc mà bạn hài lòng nhất.
“Trả lời những câu hỏi trên sẽ tiết lộ các mô hình trong sự nghiệp của bạn cho đến nay – sau đó có thể rút ra các đặc điểm. Bạn cũng có thể làm điều này bằng cách xem xét các hoạt động mà bạn thấy thú vị trong vai trò của mình.”
Ông cho biết nếu bạn thấy mình nghĩ những từ tiêu cực về công việc hiện tại của mình, chẳng hạn như “chán”, “thiếu cảm hứng”, “hỗn loạn”, “kịch tính”, “kiệt sức” hoặc thậm chí là “lặp đi lặp lại” thì đã đến lúc bạn nên chuyển sang công việc khác. Tương tự như vậy, nếu bạn thấy mình nói “Tôi có thể chờ đợi/kiên trì…” thì đó cũng là một dấu hiệu xấu báo hiệu việc bạn đang không thực sự hài lòng với công việc hiện tại.
Tóm lại, hãy bình tĩnh tìm ra những “từ khoá” giúp bạn định nghĩa rõ ràng cảm xúc của bạn đối với công việc. Nếu nó là những từ tích cực, bạn đang làm đúng việc của mình. Còn nếu như đó là những từ tiêu cực, đã đến lúc bạn nên tìm một công việc khác khiến bạn hài lòng hơn.