Giấc mơ về ngôi nhà mới
Vào một cuối tuần bình thường, như thường lệ, ông Lý lại tiếp tục lướt xem các nền tảng đấu giá.
Là một người làm công ăn lương bình thường, việc mua nhà luôn là một giấc mơ xa vời đối với ông. Cho đến một ngày, ông lướt thấy một căn nhà tuyệt vời với vị trí đắc địa nằm ngay trung tâm thành phố, gần ga tàu điện ngầm, và đầy đủ các tiện ích xung quanh.
Điều khiến người ta động lòng hơn chính là căn nhà này đang được đấu giá với mức giá khởi điểm rẻ hơn thị trường gần 200.000 NDT (gần 700 triệu).
Sau nhiều lần suy nghĩ kỹ lưỡng, ông Lý quyết định tham gia đấu giá.
Ông vay mượn khắp nơi để có đủ tiền đặt cọc, đồng thời phải rút sạch những khoản tiết kiệm suốt nhiều năm, cuối cùng với mức giá 1.280.000 NDT (khoảng 4,4 tỷ đồng), ông đã sở hữu được căn nhà này.
Khi cầm được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trên tay, mắt ông Lý ngấn lệ – sau bao nhiêu năm vất vả, cuối cùng ông cũng có một tổ ấm nhỏ của riêng mình tại thành phố này.
Phát hiện nhà vẫn luôn có người ở
Tuy nhiên, một khó khăn mới lại bắt đầu.
Khi ông Lý lần đầu tiên bước vào nhà mới, cảnh tượng trước mắt khiến ông chết sững: Căn nhà được dọn dẹp gọn gàng, trên bàn trà còn có tách trà đang bốc hơi và một người đàn ông trung niên đang ngồi trên ghế sofa xem tivi.
Người đàn ông đó tự giới thiệu mình họ Triệu, làm việc tại một tiệm sửa chữa ô tô gần đó. Ông Triệu kiên quyết nói rằng: “Đây là ngôi nhà tôi đã thuê gần mười năm, ông có quyền gì mà bảo tôi phải dọn đi?”
Đối diện với lời giải thích của ông Lý, ông Triệu kiên quyết không nhượng bộ: “Nếu không bồi thường 100.000 NDT (khoảng 348 triệu đồng), tôi sẽ không đi đâu cả! Những món đồ nội thất và thiết bị điện này đều mới thay, hợp đồng giữa tôi và chủ cũ còn nhiều năm nữa!”
Vậy là một cuộc chiến giằng co bắt đầu. Vào ban ngày, ông Lý thay khóa cửa, đến đêm, ông Triệu lại tiếp tục phá khóa; ông Lý gọi cảnh sát nhờ giúp đỡ, nhưng cảnh sát chỉ có thể can thiệp bằng những lời hòa giải suông.
Tình trạng này lặp lại sáu lần chỉ trong một tháng, khiến ông Lý gần như kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Không còn cách nào khác, ông Lý đã gửi đơn lên tòa án để pháp luật vào giải quyết.
Căn cứ pháp lý và phán quyết của tòa án
Qua điều tra, trọng tâm tranh chấp vụ án nằm ở việc:
1. Hiệu lực của hợp đồng cho thuê cũ đối với căn nhà bị đấu giá
2. Quyền yêu cầu bồi thường của người thuê cũ
3. Bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu mới
Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc và các giải thích tư pháp liên quan, “Sau khi giao dịch đấu giá được hoàn tất, quan hệ thuê mướn cũ sẽ tự động chấm dứt.” Vì vậy, tòa án nhận định rằng:
1. Sau khi giao dịch đấu giá thành công, hợp đồng cho thuê cũ tự động chấm dứt.
2. Yêu cầu bồi thường của người thuê cũ cần được đưa ra với chủ sở hữu cũ của căn nhà.
3. Hành vi nhiều lần phá khóa đã cấu thành xâm phạm quyền sở hữu.
Phán quyết cuối cùng:
1. Ông Triệu phải dọn ra khỏi căn nhà trong vòng 15 ngày.
2. Ông Triệu phải bồi thường cho ông Lý chi phí thay khóa là 3.000 NDT (khoảng 10,5 triệu đồng)
3. Yêu cầu bồi thường của ông Triệu bị bác bỏ.
4. Phí xét xử vụ án sẽ do ông Triệu chịu trách nhiệm thanh toán.
Bài học cho mọi người
1. Trong giao dịch mua bán nhà đấu giá, người mua cần phải xác minh tình trạng thực tế của căn nhà, bao gồm việc có tồn tại hợp đồng thuê hay không, để tránh những tranh chấp không cần thiết.
2. Trong thực tiễn xét xử, cần phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của người thuê nhà trong các giao dịch mua bán nhà đấu giá, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan và xây dựng cơ chế bồi thường hợp lý.
3. Khi giải quyết những tranh chấp tương tự, cần tuân thủ các quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của mình thông qua các biện pháp hợp pháp, tránh hành động quá khích dẫn đến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo Toutiao