Đầu bếp Nguyễn Mạnh Hùng được biết đến với cái tên Chef Hungazit, nhà nghiên cứu ẩm thực hiện đại và là tác giả nhiều cuốn sách ẩm thực ăn khách như “Trái tim của Chef”, “Chef – Đầu bếp chuyên nghiệp” và “Đầu bếp tự do”. Nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, anh gợi ý cách làm 3 món chính để bạn làm chiêu đãi những người mình yêu quý.
Anh chia sẻ: “Dịp lễ nếu không đi đâu xa chơi, mọi người thường ở nhà tận hưởng các món ăn ngon với bạn bè, người thân, gia đình. Nếu có thời gian, mọi người có thể thử 3 món ngon lạ dưới đây, dù có đôi chút cầu kỳ nhưng sẽ khiến những người ăn vô cùng thích thú”.
Mỳ đen sốt hạt óc chó
Mỳ đen là món dễ ăn, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người đầu bếp cần chú ý về thời gian luộc để món mỳ cần chín vừa tới và có được hương vị thơm ngon nhất.
Nguyên liệu: 150gr thịt vai heo, 100gr mỳ spaghetti sợi đen, 50gr hạt óc chó, 3 nhánh tỏi, 50ml dầu olive, 10gr phô mai parmesan, tiêu, muối.
Cách làm:
– Bắc nồi nước lên bếp (theo tỷ lệ 1 lít nước, 7gr muối và 100gr mỳ).
– Trong lúc đợi nước sôi, bạn ướp thịt heo với dầu ăn, rắc tiêu muối phủ lên miếng thịt. Đặt chảo lên bếp làm nóng già chảo, cho thịt vào rán cả tảng cho đến khi chín.
– Khi nước trong nồi luộc mỳ sôi, bạn thả mỳ vào luộc 8 đến 9 phút.
– Trong lúc luộc mỳ, bạn thả hạt óc chó, tỏi vào cối giã nhuyễn, kết hợp với dầu olive, tiêu muối và phô mai parmesan cho vừa ăn.
– Khi mỳ chín, bạn vớt vào nồi trộn cùng với sốt hạt óc chó cho quyện đều, đặt ra đĩa.
– Cắt thịt heo thành miếng rồi đặt lên trên đĩa mỳ.
Gà hầm nhân sâm
Đây là món ăn bổ dưỡng, bạn có thể nấu bằng nồi áp suất hoặc nồi ủ hiện đại để món ăn chín đều và ngon hơn thay vì nấu trực tiếp bằng nồi thường trên bếp.
Nguyên liệu: 1 con gà ta 1,5kg, 4 củ nhân sâm tươi, 6 quả táo đỏ, 1 cây hành boaro, 2 củ tỏi, 1 củ hành tây, 2 lít nước
Cách làm:
– Sơ chế nguyên liệu để chúng chín đều hơn bằng cách cắt hành tây làm 2-3 phần, hành boaro cắt khúc, 2 củ tỏi cắt phần núm ở đầu, táo đỏ có thể bỏ hạt cho nhanh chín, nhân sâm chỉ cần rửa sạch đất cát bên ngoài là được.
– Cho tất cả nguyên liệu vào nồi ủ, nấu ở 91 độ C trong vòng 2 giờ. Nếu không có nồi ủ, bạn cho nguyên liệu vào nồi thường, đặt lên bếp đun khoảng 1 giờ. Trong quá trình đun, nước sẽ bốc hơi khá nhiều, chú ý thêm nước để tránh bị cạn.
Yến chưng táo đỏ đường phèn
Việc chưng tổ yến đòi hỏi nhiều kỹ thuật và hiểu biết về tính chất nguyên liệu, do đó bạn cần nắm được các thông tin về nhiệt độ và thời gian nấu của tổ yến để đảm bảo giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao nhất sau khi chế biến.
Tránh chưng yến cùng các loại thực phẩm khác. Nhiệt độ chưng yến từ 82 đến 85 độ C, chưng trong thời gian 25-30 phút
Nguyên liệu: 10gr tổ yến đã làm sạch, 30gr đường phèn giã nhỏ, 4gr gừng, 5 quả táo đỏ bỏ hạt, 7gr nấm đông trùng, 300ml nước
Cách làm:
– Cho tổ yến vào nước lạnh, ngâm 5 phút cho nở bung ra, đổ hết nước đi; nếu có lông hoặc rác nhỏ thì dùng nhíp nhặt sạch.
– Chia yến vào 2 bát chưng cùng với 70ml nước, đặt vào nồi chưng ở nhiệt độ 82 đến 85 độ C trong 30 phút. Có thể chưng cùng một bát rồi chia ra nhiều bát nhỏ.
– Cho các thành phần nguyên liệu còn lại vào nồi riêng, đặt lên bếp đun nhỏ lửa cho chín tới và cô cạn còn khoảng 150ml. Trong quá trình đun, nếu cạn nước thì bạn thêm nước vào để tránh bị cạn quá.
– Khi yến chưng xong, bạn có thể để nguội trong tủ mát trước khi kết hợp với táo đỏ, đường phèn.