Độ tuổi từ 3-6 tuổi là giai đoạn hình thành tính cách, thói quen, lối sống của trẻ. Còn từ 7-12 tuổi là giai đoạn tính cách, thói quen, lối sống của trẻ được hoàn thiện. Nếu cha mẹ can thiệp đúng cách, giúp trẻ rèn luyện các thói quen tự giác trong giai đoạn đầu, những thói quen này sẽ đồng hành cùng trẻ trên suốt chặng đường phát triển, giúp trẻ thành công hơn khi trưởng thành.
1. Nắm bắt giai đoạn quan trọng trong việc rèn luyện tính tự giác cho trẻ
Trước 6 tuổi là giai đoạn hình thành thói quen, tính cách và lối sống của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ trải qua nhiều giai đoạn nhạy cảm. Để trẻ học được tính tự giác, trước hết cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng ý thức về trật tự.
Trẻ trước 6 tuổi có giai đoạn nhạy cảm thường khiến nhiều cha mẹ lo lắng, đặc biệt là ở khoảng 3 tuổi. Ở thời điểm này, cha mẹ có thể đánh giá từ một số biểu hiện như trẻ kiên quyết phải đặt đồ vật ở một vị trí cụ thể hoặc nhất quyết phải tự mình hoàn thành một việc nào đó, nếu không sẽ khóc lóc, làm ầm ĩ. Nếu trẻ hành xử như vậy nghĩa là trẻ đã có ý thức về trật tự. Nếu khả năng tự nhận thức của trẻ được bảo vệ, trẻ sẽ dần dần hình thành cách tự quản lý bản thân và tính tự giác.
Điều cha mẹ cần làm là đáp ứng nhu cầu về trật tự của trẻ trong phạm vi hợp lý. Đừng nghĩ rằng việc trẻ hay nói “không” là bướng bỉnh, không nghe lời. Những lời la mắng hay thái độ tiêu cực sẽ phá hủy ý thức trật tự của trẻ. Ở thời điểm này, khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế, cha mẹ nên nắm bắt giai đoạn này để giúp trẻ hình thành cách tự quản lý bản thân. Hãy thể hiện thói quen tốt trước mặt trẻ, khuyến khích trẻ tự tay hoàn thành việc của mình trong phạm vi phù hợp.
2. Cha mẹ làm gương cho con cái
Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con, đồng thời con cái cũng là tấm gương phản chiếu cha mẹ. Vì vậy, mọi lời nói, việc làm của cha mẹ đều có tác động sâu sắc con cái. Để trẻ học được tính tự giác, cha mẹ cũng phải thể hiện tính tự giác trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như việc dọn dẹp, sắp xếp đồ dùng ngay sau khi sử dụng, duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, không vứt đồ bừa bãi và dành thời gian rảnh để đọc sách, tập thể dục,…
Khi cha mẹ thực hiện những thói quen như vậy, trẻ tự nhiên sẽ học theo. Muốn con cái trở thành người như thế nào, cha mẹ cần làm gương trước. Nếu cha mẹ có lối sống ngăn nắp, khoa học và có quy tắc, trẻ cũng sẽ học theo và hình thành những thói quen tốt.
Việc rèn luyện tính tự giác cho trẻ có thể bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như việc yêu cầu trẻ dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong và sắp xếp ngăn nắp đồ đạc. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen ngăn nắp.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ thực hiện công việc theo trật tự, xác định việc gì quan trọng cần ưu tiên làm trước, việc gì có thể làm sau. Điều này giúp trẻ biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên và quản lý thời gian hiệu quả.
3. Dạy trẻ quản lý thời gian
Học cách quản lý thời gian là chìa khóa giúp trẻ hình thành khả năng tự quản lý và tự giác. Khi trẻ biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, trẻ sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, tránh được sự trì hoãn, chần chừ.
Cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ bằng cách giúp trẻ lập thời gian biểu, để trẻ sắp xếp thời gian và nhiệm vụ trong ngày của mình. Cha mẹ có thể dùng điểm thưởng để khích lệ trẻ duy trì thói quen tốt. Trong quá trình này, cha mẹ hãy để trẻ chủ động lên kế hoạch và hạn chế can thiệp quá nhiều.
Khi trẻ có thể hoàn thành tốt các kế hoạch đã đề ra, trẻ không chỉ phát triển tính tự giác mà còn hiểu rõ hơn về giá trị của thời gian, từ đó hình thành những thói quen tốt.
Trên hành trình trưởng thành và phát triển của trẻ, tính tự giác chính là hành trang quý giá, mang lại nhiều lợi ích. Việc rèn luyện cho trẻ một thói quen tốt giúp trẻ vững bước và đạt được thành công trong tương lai, còn giá trị hơn so với việc đưa cho trẻ một khối tài sản lớn.
Theo Aboluowang