Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, mắt đã mờ, chân đã chậm, trí nhớ đã phôi phai nhưng hai cụ Nguyễn Thị Ngách (109 tuổi) và người bạn đời của mình là cụ Đặng Văn Tiền (113 tuổi) ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương vẫn gắn bó với nhau trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Được biết, cụ bà Nguyễn Thị Ngách (sinh năm 1915, quê ở Thái Bình) kết hôn cùng cụ Đặng Văn Tiền (quê Hải Dương) và sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái. Người con trai cả Đặng Ngọc Thóc sinh năm 1936, con trai thứ là Đặng Văn Bằng sinh năm 1947. Tuy nhiên, cả hai người con này của cụ đều đã hy sinh tại chiến trường.
Ông Đặng Xuân Chàng (75 tuổi) là con trai thứ 3 của cụ Ngách cho biết, cháu nội lớn nhất của 2 cụ đã 65 tuổi. Ông Chàng cho biết thêm, sau khi hai người con hi sinh trên chiến trường, cụ Ngách đã rất đau buồn, liên tục hỏi thăm trông ngóng tin tức của các con. “Cứ mỗi bữa cơm cụ bà lại nhắc “Thóc ơi, Bằng ơi, về ăn cơm”.
Khi được hỏi về bà xã đã chung sống cùng mình suốt 90 năm qua, cụ Tiền cho biết, “không nhớ, giờ già quên hết rồi”. Thời gian đã khiến cụ quên đi tên tuổi của vợ mình nhưng tình cảm và sự quan tâm chăm sóc vẫn như ngày đầu. Khi ngồi cạnh vợ, cụ liên tục nằm tay, quàng tay lên vai cụ bà một cách tình cảm. Mỗi ngày trôi qua, hai cụ vẫn ân cần chăm sóc cho nhau, nói với nhau những lời giản dị như thế.
Bà Yến – con dâu của hai cụ nay đã 74 tuổi vẫn chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo, ân cần. Bà Yến cho biết, con dâu lớn – vợ của liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc năm nay đã gần 90 tuổi. Cháu nội lớn nhất của cụ cũng đã 65 tuổi. Tóc đều đã bạc.
Theo chia sẻ của người con dâu tóc đã bạc trắng cho biết, “Từ khi tôi về làm dâu đến giờ, hai cụ chưa từng bao giờ nặng lời với nhau. Cụ ông rất chăm cụ bà, không để cụ bà phải làm việc nặng nhọc bao giờ. Còn cụ bà nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và khéo lo toan việc gia đình”.
Bà Yến cho biết, hai cụ có thói quen ăn uống và sinh hoạt rất khoa học, “Trước kia hai cụ thường ăn cơm với muối vừng và uống nước chè tươi. Theo tôi đây là bí quyết sống trường thọ của hai cụ. Buổi tối, cứ ăn cơm xong đến khoảng 19h là hai cụ đi nằm”.
Bà Yến kể về bố mẹ chồng, suốt mấy mươi năm keo sơn gắn bó, tình cảm của hai cụ vẫn khăng khít. “Hai cụ yêu quý nhau lắm, có một tí tí gì cũng bảo gói lại, lấy phần đem về cho cụ bà. Hai cụ tình cảm lắm, đến giờ ăn cơm cụ bà chưa ra là ông sẽ ngồi chờ bằng được rồi mới ăn”.
Được biết, ngày 25/6/2014, cụ Ngách đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trước đó, chia sẻ với báo Công an nhân dân, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Miện cho biết, cả huyện chỉ còn 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Ngách hiện là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao tuổi nhất huyện cũng như tỉnh Hải Dương. Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ xã Hồng Quang nhận phụng dưỡng mẹ Ngách, hàng tuần đến nhà trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc hai cụ.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương