Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh rất tiện lợi, kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên tủ lạnh không phải là “vạn năng” và cũng không sạch sẽ, an toàn như nhiều người vẫn tưởng. Nếu dùng sai cách, nó có thể phản tác dụng và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư.
Ví dụ như không phải thực phẩm nào cũng thích hợp bảo quản trong tủ lạnh hoặc để trong đó quá lâu. Chúng có thể sẽ biến chất, không chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng mà còn sản sinh các chất độc hại. Dưới đây là 4 thực phẩm bạn không nên để trong tủ lạnh lâu vì dễ sinh ra chất độc gây ung thư gan:
1. Thực phẩm lên men, nhiều muối
Thực phẩm lên men như dưa chua, kim chi… hay các món được ướp muối như thịt xông khói, thịt muối, cá muối phơi khô… đều được yêu thích vì vị ngon, thời gian để được lâu. Tuy nhiên chúng lại có quá nhiều muối. Khi để lâu trong tủ lạnh, chúng dễ sản sinh nitrit – hợp chất có thể chuyển hóa thành nitrosamine – một chất gây ung thư mạnh. Nitrit không chỉ gây tổn thương gan mà còn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày cùng nhiều cơ quan khác.
Ngoài ra, do quá trình lên men thực phẩm này cũng dễ nấm mốc, nhiễm khuẩn hơn, bao gồm cả nhiễm khuẩn chéo trong tủ lạnh. Do chứa lượng muối cao, khi ăn thường xuyên còn có thể dẫn đến cao huyết áp và các vấn đề về tim mạch.
2. Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên rán vốn đã chứa nhiều chất béo nhưng nếu để lâu trong tủ lạnh, chất béo dễ bị oxy hóa, sinh ra các gốc tự do độc hại hơn. Đồng thời, nitrit cũng có thể hình thành trong các món ăn này, làm tăng nguy cơ ung thư gan khi tiêu thụ thường xuyên.
Dầu mỡ bị oxy hóa còn gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến chức năng của gan, tăng gánh nặng cho cơ quan này. Nó cũng tạo ra các chất như peroxit lipid, ảnh hưởng xấu đến tim mạch, tăng cholesterol xấu và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Ngoài ra, dầu mỡ từ thực phẩm chiên rán thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nếu bảo quản không đúng cách.
3. Các loại hạt khô
Nhiều người cho rằng để các loại hạt trong tủ lạnh giữ lâu hơn nhưng sự thật thì ngược lại. Các loại hạt khô như lạc, hạnh nhân hay hạt điều… đều dễ bị hút ẩm nếu độ ẩm trong tủ lạnh không được kiểm soát tốt. Khi bị ẩm, chúng trở thành môi trường lý tưởng cho nấm mốc phát triển, tạo ra aflatoxin – chất gây ung thư gan mạnh nhất từng được phát hiện.
Ngoài ra, dầu trong các loại hạt có thể bị biến đổi khi bảo quản lâu ngày, làm mất mùi thơm đặc trưng và gây vị đắng. Để an toàn, các loại hạt nên được bảo quản kín và không sử dụng nếu có dấu hiệu mốc hoặc mềm, có mùi hay màu lạ.
4. Thực phẩm giàu tinh bột
Các món ăn từ khoai, bánh mì hay cơm khi để lâu trong tủ lạnh dễ xuất hiện những đốm đen hoặc nấm mốc, đồng thời cũng có nguy cơ sản sinh aflatoxin. Nhiệt độ thấp có thể làm tinh bột thay đổi cấu trúc phân tử, khiến món ăn bị khô, mất đi vị ngon ban đầu và còn là “miếng mồi ngon” cho nhiều vi khuẩn. Nổi bật như vi khuẩn Bacillus cereus gây ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, thực phẩm bị lạnh lâu có thể mất đi giá trị dinh dưỡng và dễ hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác trong tủ, gây hại cho gan cũng như hệ tiêu hóa. Tủ lạnh cũng làm suy giảm enzyme tiêu hóa tự nhiên trong thực phẩm, tăng thêm gánh nặng cho gan khi cơ thể tiêu hóa chúng.
Nguồn và ảnh: The Paper, QQ