Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang ước đạt 13,85% và tiếp tục đứng đầu cả nước.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bắc Giang duy trì được vị trí số 1 về tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2024, dù sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết bất thuận như mất mùa vải thiều, bão số 3 (Yagi) nhưng khu vực công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng cao, ước cả năm tăng 17,75%, đóng góp 12,79 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Riêng công nghiệp ước tăng 19,87%, tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, đóng góp tới 13,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
Về quy mô kinh tế, Bắc Giang xếp thứ 12 cả nước.
Có được kết quả ấn tượng này là nhờ Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung cao cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH để phục vụ thu hút đầu tư; lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư… Qua đó thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như: Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar, Hana micron… đến đầu tư. Nhờ vậy đã có đóng góp lớn, tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Cùng với tỉnh, nhiều giải pháp vĩ mô của Chính phủ về triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế như giảm thuế VAT, giảm lệ phí trước bạ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… cũng giúp Bắc Giang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Đến nay, tỉnh có 10 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất khoảng 2.464 ha; đang thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 12 KCN; đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 14 KCN ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022-2025; đang lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 06 KCN và lập nhiệm vụ quy hoạch xây dựng đối với 01 KCN. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt khoảng 65%.
Tổng số cụm công nghiệp (CCN) được thành lập đến nay là 55 CCN với tổng diện tích 2.329 ha; trong đó có 35/55 CCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với diện tích 1.245ha. Hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác cũng được đầu tư đồng bộ.
Các ngành sản xuất tiếp tục đà phục hồi, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng.
Tính đến hết tháng 10/2024, tỉnh Bắc Giang đã thu hút trên 1,9 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi và xếp thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics.
Nửa đầu 2024, Bắc Giang cũng tăng trưởng dẫn đầu
Trước đó, trong 6 tháng đầu 2024, Bắc Giang cũng có tăng trưởng đứng đầu cả nước. Theo Báo Bắc Giang, ước tăng trưởng quý 2/2024 của Bắc Giang đạt 14,31%, đưa tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14,14%, đứng đầu cả nước.
Theo Cổng thông tin tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh – Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Bắc Giang có diện tích tự nhiên là 389.589 ha. Trung tâm tỉnh là thành phố Bắc Giang, là trung tâm hành chính của tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội 50 km; cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân – Quảng Ninh 130 km.
Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2023 là 23,7%.
Tỉnh Bắc Giang là tỉnh đông dân thứ 11 cả nước và đông dân nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc.