Theo ông LeCun, Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), người được mệnh danh là “bố già” trong lĩnh vực AI, có ba yếu tố chính giúp Việt Nam tận dụng cơ hội này, đó là: phát triển nhân tài, tạo cơ hội học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cho giới trẻ, và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tiếp cận đầu tư.
Ông LeCun nhấn mạnh rằng Việt Nam – một quốc gia với dân số trẻ, nhiệt tình và tích cực với công nghệ – có nhiều ưu điểm để phát triển trong ngành công nghiệp AI.
Giáo sư LeCun khuyến nghị cần tạo điều kiện cho người trẻ học tập và nghiên cứu về công nghệ, qua đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật và thiết kế. Việc này không chỉ giúp sinh viên có được cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp mà còn góp phần nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.
Bên cạnh đó, Giáo sư LeCun cũng đề cập đến sự cần thiết của việc tạo cơ hội kết nối và hợp tác cho các startup với các chuyên gia AI để từ đó có thể học hỏi và phát triển. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tới việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tiếp cận với nguồn đầu tư, qua đó tạo điều kiện cho họ phát triển và mở rộng.
Đối với việc thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, Giáo sư LeCun cho rằng tiến bộ về khoa học kỹ thuật dựa trên rất nhiều nỗ lực phát triển khoa học công nghệ, được thực hiện bởi rất nhiều các công ty lớn, nhỏ.
Và tiến bộ khoa học này thường được thực hiện ở ba đơn vị chính, là các trường đại học, các phòng nghiên cứu của quốc gia/chính phủ hoặc là các phòng thí nghiệm của các công ty trên thị trường.
“Bản thân tôi vừa có thời gian làm việc cho cho trường đại học và vừa có thời gian làm việc cho phòng nghiên cứu của Meta. Chúng ta có thể thấy rằng đôi khi hai việc này bổ trợ cho nhau. Ý tưởng của phòng nghiên cứu từ trường đại học được phòng nghiên cứu của công ty biến thành hiện thực và đôi khi là ngược lại. Đó là bối cảnh chung, còn ở Việt Nam, VinAI cũng là một phòng nghiên cứu phát triển của công ty và cũng sẽ có vai trò nhất định để đóng góp tại Việt Nam” – giáo sư chia sẻ.
Ông LeCun cũng trong rằng, trong tương lai cũng có thể có các công ty nước ngoài đến để thiết lập các phòng nghiên cứu ở Việt Nam, ví dụ như Meta hay Google.
“Tuy nhiên, yếu tố chính để họ có thể quyết định đặt phòng lab ở đâu là mật độ hay tỷ lệ nhân tài của quốc gia đó. Cho nên việc mà chúng ta cần phải làm là phát triển nhân tài tại Việt Nam” – giáo sư LeCun nhấn mạnh.
Tọa đàm Khoa học vì Cuộc sống là sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến ngày 7/12 với tâm điểm là Lễ trao giải VinFuture lần thứ 4, diễn ra vào tối 6/12 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp từ 20h10 trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam và trực tuyến trên nhiều báo điện tử và các nền tảng mạng xã hội lớn.