Người ta bảo trẻ con không biết nói dối, mọi thứ xung quanh đều được các em suy nghĩ đơn giản vô cùng. Vì quá thật thà, những đứa trẻ đôi lúc vô tình tạo ra những thành quả khiến người xung quanh không biết nên cười hay mếu, chẳng hạn bài tập đặt câu sau đây.
Theo đó, khi được yêu cầu hoàn chỉnh các câu thành ngữ, một học sinh đã “trả về” kết quả khiến cô giáo cũng sang chấn tâm lý, dân tình thì cười như được mùa.
“Thẳng như đứng; Thật như đối; Ruột để anh em; Cây ngay không sợ đứng; Môi hở lạnh; Giấy rách phải giữ lấy đầu…”. Và tất nhiên, với kết quả có 1 không 2 như vậy, khi dùng thành ngữ để đặt câu, em học sinh này cũng tạo nên “thành quả” bá đạo không kém.
Đáng nói, hai nhân vật được học sinh này đưa vào bài làm là mẹ và anh trai. Nhiều người thắc mắc, không biết đọc xong hai người có… sang chấn không!
– Mẹ em thẳng như đứng.
– Chân anh em yếu ớt.
Thế mới thấy quả là học trò vẫn cứ là học trò, dù lớn dù nhỏ thì vẫn luôn khiến thầy cô, cha mẹ bất ngờ hết lần này đến lần khác vì sự sáng tạo vô biên của mình: “Đúng là quái vật văn học, thần đồng ngôn ngữ, vị thần của con chữ… tôi đọc mà cười không nhặt được mồm”; “Lại nhớ cháu mình bị yêu cầu đặt câu với từ “đỡ đần” thế là nó viết “Nhờ học hành chăm chỉ nên tôi đỡ đần hơn”…, một số cư dân mạng để lại bình luận.
Với người lớn, việc điền thành ngữ, tục ngữ đôi khi không có gì khó khăn. Nhưng trẻ tầm tuổi tiểu học vô cùng hiếu động, lại toàn học trước quên sau nên cứ dạy vài hôm lại quên hết kiến thức, thậm chí còn nói một đằng suy diễn một nẻo.
Bố mẹ có thể nhẹ nhàng giảng giải hoặc lồng ghép thành ngữ để dạy con qua các tình huống hàng ngày. Những câu thành ngữ, ca dao tục ngữ có nhịp điệu nghe vui tai sẽ được não bộ của trẻ ưu ái, nhớ nhanh hơn. Đừng vội vã chê bai, trêu chọc khiến con nản chí và thui chột sáng tạo nhé!