Mới đây, một bài viết quảng cáo về các lớp học dạy kèm tiếng Anh của một cô giáo tự giới thiệu “chuyên dạy tiếng Anh cho học sinh trường quốc tế và trường chuyên” thu hút sự chú ý. Trong phần giới thiệu, cô giáo này cho biết, lộ trình của bên mình sẽ là:
Mầm non hoàn thành chứng chỉ STARTERS
Lớp 1 hoàn thành chứng chỉ MOVERS
Lớp 2 hoàn thành chứng chỉ FLYERS và KET
Lớp 3 hoàn thành chứng chỉ PET
Lớp 4 hoàn thành chứng chỉ FCE
Lớp 5 hoàn thành chứng chỉ IELTS.
Thông tin này tạo nhiều nhiều luồng ý kiến tranh cãi.
Tạo áp lực thành tích quá sớm
Một số ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận rằng việc có một lộ trình rõ ràng và chứng chỉ quốc tế có thể giúp học sinh có một mục tiêu học tập cụ thể và dễ dàng đo lường sự tiến bộ của mình. Các chứng chỉ này cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ toàn diện và tạo nền tảng vững chắc cho việc học tiếng Anh lâu dài, cũng như mang lại cơ hội mở rộng trong tương lai khi các em lớn lên.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc ép buộc học sinh phải đạt được các chứng chỉ này sẽ tạo ra áp lực lớn đối với các em, đặc biệt là với những học sinh còn nhỏ, chưa thể nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh hay các kỳ thi quốc tế. Các chứng chỉ này không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về thời gian mà còn về tinh thần, dẫn đến việc trẻ có thể cảm thấy căng thẳng và thiếu tự nhiên trong việc học.
Một vấn đề khác mà nhiều phụ huynh và giáo viên quan tâm là việc quá tập trung vào chứng chỉ có thể khiến trẻ mất đi niềm vui học tập. Nếu học chỉ để đạt chứng chỉ, trẻ có thể mất đi sự sáng tạo và niềm yêu thích trong việc học tiếng Anh, điều này trái ngược với mục tiêu giáo dục tiếng Anh là để mở rộng khả năng giao tiếp và tư duy của trẻ, không chỉ đơn thuần là đạt thành tích.
Một giáo viên bình luận: Lộ trình này nghe thì “oách” nhưng thực tế chỉ là đốt cháy giai đoạn. Mầm non – tiểu học học để giao tiếp, chứ không phải học để lấy chứng chỉ. IELTS lớp 5? Để làm gì khi trẻ còn chưa đủ trải nghiệm sống để hiểu bài thi? Chứng chỉ chỉ là giấy tờ, không hề giúp trẻ sử dụng tiếng Anh tự nhiên trong cuộc sống sau này! Học nhanh, quên cũng nhanh.
Theo chị, điều trẻ cần là học cách giao tiếp bằng tiếng Anh theo cách tự nhiên, giống như cách trẻ em bản xứ học khi còn nhỏ. Các em cần có những tương tác ý nghĩa qua lời nói để ngôn ngữ thật sự ăn sâu vào trái tim (chứ không chỉ là bộ não) của mình. Chỉ sau nhiều năm học tiếng Anh giao tiếp, các em mới nên bắt đầu với các bài tập “trên giấy” để trau chuốt khả năng ngôn ngữ của mình.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với học sinh ở các độ tuổi nhỏ (mầm non đến lớp 3), việc học để lấy chứng chỉ quốc tế có thể là một điều quá sớm. Trẻ cần được tạo ra một nền tảng vững chắc về ngôn ngữ, học tập tự nhiên và khám phá tiếng Anh qua các hoạt động thú vị, thay vì chạy đua với các kỳ thi có tính chất cạnh tranh cao.
Đặc biệt, bài thi IELTS gồm nhiều kiến thức xã hội, đòi hỏi tư duy lập luận, chẳng hạn như phân tích biểu đồ, số liệu về kinh tế hay doanh thu bán hàng, tội phạm học, thí nghiệm trên động vật đến tư duy tổng quan xã hội, chính sách của chính phủ… Những nội dung này xa lạ với lứa tuổi tiểu học.
Học tiếng Anh đúng phương pháp sẽ giúp trẻ phát triển tư duy. Nhưng nếu chạy theo chiến lược luyện thi, các em sẽ ít thời gian để phát triển kỹ năng tiếng Việt, kết nối, xây dựng tình bạn và các môn năng khiếu như âm nhạc, thể thao, vẽ… đều rất cần thiết trong cuộc sống.
Một giải pháp nhiều người gợi ý có thể là xây dựng một lộ trình học linh hoạt, không đặt nặng yêu cầu chứng chỉ ngay từ khi học sinh còn nhỏ, mà thay vào đó, tạo ra môi trường học tập thú vị và khuyến khích sự tiến bộ tự nhiên. Các chứng chỉ có thể là một mục tiêu dài hạn, nhưng việc học nên được tập trung vào phát triển kỹ năng giao tiếp, sự tự tin và khả năng học tập suốt đời, thay vì chỉ nhằm vào việc đạt được các danh hiệu hay thành tích.
Phụ huynh và giáo viên cần phải hiểu rõ về nhu cầu và khả năng của từng học sinh để tạo ra một môi trường học tập hợp lý, tránh tạo áp lực không cần thiết nhưng cũng không bỏ qua các mục tiêu học tập quan trọng.
Việc lựa chọn lộ trình dạy học phù hợp không chỉ giúp học sinh đạt được kết quả tốt mà còn đảm bảo các em phát triển một cách toàn diện và khỏe mạnh về mặt tâm lý.