Mới đây, một bà mẹ đăng tải bài tập tiếng Việt của con mình lên trang cá nhân, thu hút tranh luận trái chiều.
Nội dung bài tập đọc được cho như sau: “Ngày gần Tết, mẹ làm mứt dừa và ô mai để bán. Mứt dừa mẹ làm có đủ vị: Cà phê, dâu, ca cao. Còn ô mai thì có: Sấu chua giòn, mận xào cay và ô mai mơ vị thơm ngon. Hà thử món nào món ấy đều rất ngon”.
Sau đó, đề bài yêu cầu khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng nhất hoặc thực hiện bài tập theo yêu cầu. Trong đó, câu hỏi thứ 3 gây tranh cãi: Mứt dừa mẹ làm không có vị gì? Đáp án được đưa ra là: A – Ca cao; B – Cà Phê; C – Dừa.
Được biết, bà mẹ này hướng dẫn con chọn đáp án C. Tuy nhiên, đứa trẻ chọn đáp án B. Chị cũng có thắc mắc là: “Mứt dừa chả lẽ không có vị dừa”.
Tình huống này sau đó dẫn tới tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội với gần 2000 ý kiến trái chiều.
Hợp lý hay không hợp lý?
Nhiều người cho rằng, mứt dừa được làm từ dừa, vốn sẽ có vị dừa nên đưa “vị dừa” vào đáp án là không chính xác. “Nhà mình mẹ bảo đáp án là vị dừa, bạn ấy cãi mứt dừa chắc chắn có vị dừa. Nên bạn ấy bảo theo con câu này bỏ trống hoặc mở ngoặc cả 3 vị trên”, một người nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với lớp 1, câu hỏi và câu trả lời đều có trong bài. Chỉ có người lớn cố tình bắt bẻ câu chữ mà thôi. Mứt dừa mẹ làm có đủ vị: Cafe, dâu, cacao, không có vị dừa nên đáp án C là chính xác.
“Dừa là dừa, còn mấy cái kia là gia vị. Nên đã là mứt dừa rồi thì nó là nguyên bản không có thêm vị. Còn bạn thắc mắc sao mứt dừa không có vị dừa thì cũng giống bánh tráng: Bánh tráng vị dừa, sate tôm, phomai, khô bò… Chứ bánh tráng vị bánh tráng là sao?
Trẻ con tư duy đơn giản lắm, không phức tạp như người lớn. Với cả ở đây câu hỏi là “vị gì” thì ai cũng biết câu trả lời, chỉ có cố tình bắt bẻ thì mới thắc mắc. “Vị” là thành phần thêm vào, chứ không phải là bản chất của nó. Có ai nói quả dưa hấu có “vị” dưa hấu không?”, một bà mẹ chia sẻ.
Theo bạn, các đáp án mà câu hỏi này đưa ra có hợp lý?