Lần đầu tiếp xúc với BSCKI Vũ Văn Phi, phần đông mẹ bầu đều ấn tượng bởi tính cách vui vẻ và hài hước. Trả lời cho thắc mắc của nhiều khách hàng và đồng nghiệp: “Vì sao bác luôn tràn đầy nhiệt huyết và phòng khám lúc nào cũng rộn rã tiếng cười?”, bác sĩ Phi cho biết khi mang thai, phụ nữ thường lo lắng nhiều. Bác cố gắng tạo sự cởi mở, giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái để chia sẻ, không ngại cung cấp thông tin về tiền sử sức khỏe. Từ đó, bác sĩ có thể lên kế hoạch chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
“Nguyên tắc của tôi là đảm bảo bệnh nhân ra khỏi phòng khám không còn lo lắng về sức khỏe. Thay vào đó, các mẹ cảm thấy an tâm vì mọi thắc mắc đều được giải đáp và có lộ trình chăm sóc rõ ràng”, bác sĩ tâm sự.
Tuy nhiên, đằng sau tính cách hài hước, bác sĩ Phi tự nhận bản thân là người nghiêm khắc. Giải thích về sự đối lập thú vị này, bác sĩ cho biết việc chăm sóc và điều trị vẫn cần tuân theo nguyên tắc, đặc biệt là trường hợp gặp bệnh lý thai kỳ. Việc bác sĩ cứng rắn sẽ giúp mẹ bầu tuân thủ đúng chỉ định.
Bởi hai mặt đối lập trong tính cách, bác sĩ Phi được nhiều mẹ bầu gọi vui là “bác ba Phi” – hóm hỉnh, lạc quan nhưng luôn nghiêm túc và nguyên tắc trong công việc. Điều này cũng giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tin tưởng vào quá trình chăm sóc sức khỏe, từ đó đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Trong quá trình thăm khám cùng bác sĩ Phi, nhiều thai phụ cảm thấy hài lòng khi nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo và thân thiết như người nhà. Trong đó, vợ chồng thủ môn Đặng Văn Lâm và Yến Xuân cũng đặt trọn niềm tin vào bác sĩ Phi, quyết định chọn gói khám thai 15-40 tuần tại AIH.
Xem trọn vẹn Hành trình khám thai của gia đình thủ môn Đặng Văn Lâm tại đây.
Theo bác sĩ Phi, tiêu chí quan trọng đầu tiên tạo nên thai kỳ khỏe mạnh là chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đây là khâu quan trọng để các cặp đôi chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Qua thăm khám, bác sĩ có thể đánh giá yếu tố nguy cơ, phát hiện và điều trị sớm bệnh lý tiềm ẩn, từ đó tránh được hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và chuẩn bị đón nhận thiên thần khỏe mạnh.
Thứ hai, khi mang thai, mẹ cần tuân thủ khám thai định kỳ, đặc biệt là các cột mốc khám thai quan trọng. Việc bỏ qua những xét nghiệm này có thể làm giảm hiệu quả trong việc tầm soát và phát hiện nguy cơ trong thai kỳ. Điển hình là tầm soát tiền sản giật, thường được thực hiện vào 12 tuần đầu thai kỳ. Nếu bỏ lỡ thời điểm này, việc phát hiện nguy cơ và điều trị sẽ không còn hiệu quả. Tương tự, tầm soát tiểu đường thai kỳ cần thực hiện trong khoảng tuần thai 24 – 28. Nếu mẹ bỏ qua, sức khỏe của cả mẹ và thai nhi có thể gặp rủi ro. Trong trường hợp mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ mà không làm xét nghiệm, sẽ không biết mình mắc bệnh và không được điều trị, từ đó có thể đối mặt với các biến chứng như tăng huyết áp, sinh non, hoặc sảy thai…
Thứ ba, chế độ dinh dưỡng và vận động đóng vai trò quan trọng. Mẹ bầu cần đủ 4 nhóm chất thiết yếu: bột đường, đạm, béo, vitamin, chất xơ và khoáng chất. Mẹ bầu khuyến cáo tăng trung bình 9 – 12 kg trong suốt thai kỳ, với tăng cân từ 300-gram đến 1 kg trong tam cá nguyệt đầu, và khoảng 300 gram mỗi tuần ở tam cá nguyệt 2 và 3. Mẹ mang song thai cần tăng cân nhiều hơn. Ngoài ra, mẹ nên vận động nhẹ nhàng, giúp cơ thể sản sinh endorphin, tạo cảm giác vui vẻ, giảm lo lắng, đồng thời cung cấp oxy cho thai nhi, thúc đẩy sự phát triển của bé.
Theo bác Phi, khoảng 8% phụ nữ mang thai có thể gặp biến chứng trong thai kỳ. Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có sự thay đổi lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong sản khoa, hai vấn đề quan trọng là biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa. Biến chứng thai kỳ gồm tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng, chuyển dạ sinh non, sảy thai, và thai chết lưu… Tai biến sản khoa nguy hiểm gồm sản giật, băng huyết sau sinh, nhau cài răng lược, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung… Thông qua việc tuân thủ khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ có biện pháp chẩn đoán sớm cũng như dự phòng, kiểm soát hiệu quả biến chứng thai kỳ.
“Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), chúng tôi áp dụng các biện pháp chẩn đoán và dự phòng biến chứng thai kỳ cho mẹ và bé. Thai phụ được tầm soát tiền sản giật ở tuần 12 dựa trên tiền sử y khoa và sản khoa, Doppler động mạch tử cung, huyết áp động mạch trung bình (MAP) và chỉ số xét nghiệm sinh hóa PLGF. Tất cả các dấu hiệu sinh học và sinh hóa đều được điều chỉnh cần thiết theo một số đặc điểm của mẹ bao gồm nguồn gốc chủng tộc, cân nặng, chiều cao, phương pháp thụ tinh và số lần sinh. Nguy cơ ước tính được tính toán bởi phần mềm FMF 2.81.
“Với trường hợp băng huyết sau sinh, chúng tôi sẽ thăm khám và xem xét các yếu tố tiền căn và bệnh sử, từ đó kế hoạch theo dõi thai kỳ phù hợp cho mẹ. Khi sản phụ chuyển dạ, các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp dự phòng băng huyết sau sinh nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ.” – bác sĩ Phi phân tích.
Dẫn chứng trường hợp của thai phụ T.K.A. (33 tuổi, mang song thai), trong quá trình khám, bác sĩ Phi chẩn đoán chị có nguy cơ đờ tử cung (tử cung không thể co hồi sau khi sinh em bé) và băng huyết sau sinh. Đến tuần 38, sau khi mổ lấy thai, sản phụ bị chảy máu đột ngột và không kiểm soát, dẫn đến băng huyết sau sinh. Bác sĩ Phi nhanh chóng xử lý cầm máu, thực hiện phẫu thuật thắt động mạch tử cung và chèn bóng lòng tử cung, đồng thời kích hoạt quy trình truyền máu khẩn cấp. Nhờ xử trí kịp thời, mẹ và bé ổn định, an toàn.
“Đây là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, nếu không kịp thời xử trí và kích hoạt truyền máu nhanh chóng, có thể gây tử vong cho mẹ sau sinh”, bác sĩ nói thêm.
Hay trường hợp chị A.L.P. (32 tuổi, mang thai 30 tuần) được chẩn đoán có nguy cơ nhau tiền đạo trung tâm – biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người mẹ. Bác Phi dự đoán mổ lấy thai từ tuần 35, tuy nhiên vào tuần 34, chị bị ra máu âm đạo nhiều. Các bác sĩ lập tức hội chẩn liên chuyên khoa Sản – Nhi, quyết định chấm dứt thai kỳ sớm, mổ lấy thai khẩn cấp cho bệnh nhân. Ê-kíp AIH kích hoạt quy trình truyền máu khẩn trong và sau mổ để bồi hoàn máu, hồi sức tích cực cho bệnh nhân, xử trí kịp thời nhau tiền đạo, đảm bảo an toàn mẹ và bé.
Tại AIH, khi khám thai định kỳ và phát hiện tình trạng nhau tiền đạo, mẹ bầu được siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để tầm soát, phát hiện sớm nhau cài răng lược. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, bác sĩ chỉ định kiểm tra tình trạng nhau thai kỹ hơn nhằm xác định gai bánh nhau có bám quá sâu thành tử cung không, từ đó đưa ra phương án xử trí kịp thời. Đồng thời, bệnh viện có ngân hàng máu và đảm bảo quy trình truyền máu số lượng lớn trong trường hợp cấp bách. Trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm cũng góp phần mang lại kết quả phẫu thuật tốt nhất, giảm tỷ lệ biến chứng cho mẹ và bé.
Trường hợp trẻ sinh non tháng, Đơn vị chăm sóc đặc biệt Nhi – Sơ sinh (NICU) tại AIH với đội ngũ chuyên gia hàng đầu gồm bác sĩ hồi sức sơ sinh, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng Nhi khoa tại AIH sẵn sàng tiếp nhận và chăm sóc, cũng như theo dõi và tầm soát kịp thời các dị tật bất thường, các bệnh lý cần hỗ trợ điều trị đặc biệt cần can thiệp sớm ở trẻ.
Sau hành trình 9 tháng 10 ngày, thấu hiểu nỗi vất vả cùng niềm tin rằng mẹ xứng đáng nhận được điều tốt đẹp nhất, AIH mang đến “kỳ nghỉ dưỡng” chất lượng 5 sao để mẹ được nghỉ ngơi và hồi phục nhanh chóng. Gia đình có thể an tâm khi con yêu vừa chào đời đã được chăm sóc chu đáo, ân cần bởi đội ngũ y bác sĩ túc trực 24/24.
Đặc biệt, quá trình phục hồi sau sinh được AIH chú trọng và ưu tiên. Với sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, “nói không” với chế độ kiêng khem khắc khe và thiếu khoa học, AIH phục vụ 3 bữa chính đa dạng từ món Á, Âu đến món chay; 2 bữa phụ gồm sữa, trái cây, sinh tố giàu vitamin. Các món ăn được chế biến ngon miệng, hấp dẫn bởi đầu bếp chuyên nghiệp và phục vụ tận phòng theo tiêu chuẩn 5 sao. Đối với các mẹ có bệnh lý như tiểu đường hay cao huyết áp, … chuyên gia dinh dưỡng tại AIH sẽ đưa ra kế hoạch can thiệp dinh dưỡng đặc biệt trong suốt quá trình lưu viện, đồng thời phối hợp với bác sĩ sản khoa để theo dõi tình trạng sức khoẻ và tư vấn chế độ ăn cho mẹ sau khi xuất viện.
Nhằm giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sau sinh, AIH sử dụng máy PlasmaMED phát tia plasma lạnh giúp giảm đau, làm lành vết thương thành bụng sau mổ, vết khâu tầng sinh môn cho mẹ sau sinh. Đây là một trong những kỹ thuật hiện đại, mang lại hiệu quả điều trị cao và không gây tác dụng phụ trong điều trị vết thương mạn tính, nhiễm trùng da. Các bác sĩ khoa Sản chuyên môn cao tại AIH trực tiếp chăm sóc, điều trị cho mẹ.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong suốt 20 năm làm nghề, BSCKI Vũ Văn Phi vẫn thường nghĩ về chị N.A.Q. (35 tuổi) – thai phụ có tiền sử sảy thai hai lần, với ước mơ lớn nhất đời là “ôm trọn thiên thần nhỏ trong vòng tay”. Ngày gặp bác sĩ Phi, chị tâm sự nhiều, cũng cho biết sẽ cố gắng dùng mọi cách để giữ thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh.
Thấu hiểu tâm tư của người mẹ, bác Phi cùng chị vượt qua hành trình mang thai đáng nhớ. Đến tuần thai 13, bác Phi thực hiện khâu vòng cổ tử cung, dự phòng sảy thai và sinh non. Nhờ đó, chị có thể chào đón thiên thần nhỏ an toàn, với thai kỳ trọn vẹn hạnh phúc.
Bốn năm sau, chị N.A.Q. lần nữa tìm đến sự chăm sóc tận tâm từ bác Phi trong hành trình làm mẹ. Lần này, mẹ và bé đều khỏe mạnh và “về đích” an toàn.
“Sau nhiều năm, gia đình bệnh nhân vẫn luôn giữ liên lạc, thăm hỏi tôi như người thân trong nhà. Nhận được sự tin tưởng và nhìn thấy ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của gia đình sản phụ, tôi có thêm nhiệt huyết và năng lượng để làm tốt công việc mỗi ngày. Đây cũng là động lực để tôi giữ lửa nghề”, bác Phi xúc động.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu, BSCKI Vũ Văn Phi còn đảm nhận vị trí Phó khoa Phụ Sản tại AIH. Với kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng và khả năng quản lý, bác sĩ Phi không chỉ mang đến dịch vụ y tế chất lượng, mà còn góp phần xây dựng và phát triển khoa Phụ Sản của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mẹ bầu.