Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách và tương lai của mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu cách giáo dục sai lầm sẽ để lại những vết thương sâu sắc, khó chữa lành trong tâm hồn của con trẻ. Câu chuyện của một chàng trai trẻ tên Tiểu Vương đến từ Trung Quốc dưới đây là một minh chứng đau lòng cho điều này.
Vào một ngày của năm 2013, Tiểu Vương bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chương trình Điều Phối Viên Vàng – một chương trình hòa giải tình cảm do Đài truyền hình tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) sản xuất. Chương trình mời các bên có mâu thuẫn, tranh chấp tham gia, nơi các nhà hòa giải và chuyên gia quan sát sẽ giúp phân tích vấn đề, đưa ra lời khuyên nhằm hỗ trợ các bên hóa giải mâu thuẫn và hàn gắn mối quan hệ. Đầu dây bên kia, nhân viên chương trình nói rằng cha của Tiểu Vương – ông Vương Lâm – mong muốn thông qua chương trình này để hóa giải những hiểu lầm và mâu thuẫn kéo dài nhiều năm giữa hai cha con.
Nghe xong, Tiểu Vương thẳng thừng từ chối, khẳng định: “Tôi tuyệt đối sẽ không gặp người đàn ông đó”. Tuy nhiên, nhân viên chương trình tiếp tục thuyết phục, nói rằng hiện trạng sức khỏe của ông Vương Lâm không tốt.
Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng Tiểu Vương đồng ý. Thực ra, trong lòng anh cũng có một nỗi khúc mắc chưa được giải tỏa. Nếu có thể tháo gỡ, thì chuyến đi này cũng không uổng phí.
Tiểu Vương sinh ra trong một gia đình bình thường, cha mẹ cưới nhau qua mai mối, không có nhiều tình cảm. Sau khi kết hôn, họ thường xuyên cãi vã, và Tiểu Vương lớn lên trong những trận cãi nhau ấy đến năm 3 tuổi.
Năm đó, cha mẹ Tiểu Vương ly hôn, quyền nuôi dưỡng Tiểu Vương thuộc về người cha. Mẹ anh rời đi, không để lại tung tích.
Sau khi ly hôn, cha Tiểu Vương gửi Tiểu Vương cho ông bà nội chăm sóc rồi rời quê để đi làm ăn. Suốt những năm tháng ấy, ông ít khi quan tâm đến tình hình của con trai.
May mắn thay, Tiểu Vương là đứa trẻ hiểu chuyện. Ngay từ nhỏ, anh đã phụ giúp ông bà làm việc nhà, không bao giờ chơi đùa quá đà sau giờ học. Mục tiêu duy nhất của anh là học giỏi, thi đỗ đại học, thoát khỏi vùng quê nghèo và giúp ông bà sống những ngày tháng hạnh phúc.
Tuy nhiên, ước mơ ấy không thành hiện thực. Năm 11 tuổi, cha anh – ông Vương Lâm – bất ngờ quay về, nói rằng sẽ đưa anh lên thành phố sống.
Trên đường đi, cha anh không nói một lời, điều này khiến Tiểu Vương cảm thấy vừa lo lắng vừa buồn tủi. Anh đã từng mơ ước được cha ôm lấy mình, xoa đầu an ủi, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Khi đến nhà cha, Tiểu Vương gặp mẹ kế lần đầu tiên. Hóa ra, người cha mà anh luôn mong ngóng đã hoàn toàn buông bỏ cuộc hôn nhân trước đó và tái hôn với người phụ nữ trước mặt. Ánh mắt thiếu thiện cảm của bà khiến Tiểu Vương cảm nhận rõ được sự ghẻ lạnh.
Thái độ của người mẹ kế này đối với Tiểu Vương lúc nào cũng lạnh lùng và xa cách, đôi khi thậm chí còn tỏ ra thù địch. Bà dường như coi Tiểu Vương như một vị khách không mời mà đến, một kẻ xâm nhập quấy rối cuộc sống yên bình của mình. Mặc dù Tiểu Vương đã cố gắng hết sức để hòa nhập với gia đình mới này nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.
Một ngày nọ, Tiểu Vương thấy trên bàn có một ít hạt dưa do mẹ kế để lại. Vì ở quê chưa bao giờ được ăn thứ này nên Tiểu Vương đã ăn thử vài hạt. Tiểu Vương không thể ngờ được, hành động tưởng chừng không có gì ấy lại mở ra một chuỗi bi kịch.
Người mẹ kế tỏ ra vô cùng tức giận khi phát hiện Tiểu Vương ăn vụng hạt dưa. Bà mắng Tiểu Vương thậm tệ: “Ai cho mày đụng vào hạt dưa? Tao đã cho phép chưa?”.
Tối đó, cha Tiểu Vương về nhà. Mẹ kế ngay lập tức kể lại sự việc với cha Tiểu Vương, không quên thêm mắm dặm muối, khăng khăng rằng còn nhỏ mà Tiểu Vương đã ăn đồ của người khác một cách tự tiện như vậy thì lớn lên sẽ thành phường trộm cướp, nếu không giáo dục tử tế, không sớm thì muộn cũng vào vòng lao lý.
Người cha tin lời mẹ kế, trực tiếp đánh đập Tiểu Vương mà không cho con trai cơ hội giải thích.
Từ đó trở đi, mẹ kế bắt đầu trở nên tồi tệ hơn, thường xuyên tìm ra nhiều lý do để chỉ trích hành vi của Tiểu Vương. Bà cũng không ngừng nói xấu với cha Tiểu Vương, miêu tả Tiểu Vương là một đứa trẻ rắc rối, ngu dốt và thiếu hiểu biết.
Trước những “sai lầm” này của Tiểu Vương, người cha đã chọn phương pháp đơn giản và tàn bạo nhất – đánh đập dã man. Giữa thảm cảnh như vậy, Tiểu Vương chỉ có thể dồn toàn bộ sức lực cho việc học, cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng những kết quả xuất sắc và giành được sự chú ý của cha mình. Thế nhưng dù điểm số của Tiểu Vương thuộc loại cao nhất nhưng thái độ của cha và mẹ kế không hề thay đổi, khiến trái tim Tiểu Vương tràn ngập sự cô đơn và bất lực.
Trong một giờ học làm văn, giáo viên giao bài tập về nhà là viết một bài văn với chủ đề “Bố tôi”. Tiểu Vương do dự hồi lâu, cuối cùng quyết định gửi hết những ấm ức vì bị bạo hành thể xác và tra tấn tinh thần mình phải chịu đựng nhiều năm lên trang giấy. Cậu bé hy vọng bằng cách này có thể thu hút sự chú ý của cha mình, và có thể cha sẽ nhận ra lỗi lầm của mình, rồi quan tâm hơn đến con trai.
Tuy nhiên, khi người cha nhìn thấy bài viết này trong buổi họp phụ huynh, thay vì cảm thấy tội lỗi, ông lại trở nên tức giận. Ông cho rằng hành vi của Tiểu Vương đã khiến ông xấu hổ trước các bậc phụ huynh khác và làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ông.
Sau khi trở về nhà, ông lại đánh Tiểu Vương, lần này bạo lực còn nghiêm trọng hơn trước.
Tiểu Vương hoàn toàn không có khả năng chống cự, thu mình trong góc, chịu đựng những cú đấm, đá từ cha mình, niềm hy vọng cuối cùng trong lòng Tiểu Vương đã hoàn toàn tan vỡ.
Năm 14 tuổi, không chịu nổi những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, Tiểu Vương quyết định bỏ nhà ra đi với một ít quần áo và vài đồng tiền tiết kiệm.
20 năm chớp mắt đã qua. Cậu bé gầy gò ngày nào đã trưởng thành thành một người đàn ông mạnh mẽ, rắn rỏi. Nhờ sự nỗ lực, Tiểu Vương đã có sự nghiệp ổn định và đạt được tự do tài chính, dù không học đại học. Anh không ngờ rằng, sau nhiều năm, cha anh lại tìm đến anh thông qua chương trình.
Thì ra người cha không thể liên lạc được với Tiểu Vương dù đã thử đủ mọi cách. Ông cho rằng con trai mình có ác cảm với mình. Vì vậy, ông muốn dùng chương trình này để giải quyết mâu thuẫn, sau đó để con trai chu cấp cho mình và vợ khi về già.
Đồng ý tham gia chương trình, Tiểu Vương lúc này đã 34 tuổi chỉ muốn nghe cha giải thích cho những đau khổ anh từng chịu đựng. Nhưng một lần nữa, cha anh lại khiến anh thất vọng. Ông không nhận sai, mà chỉ biện minh và đòi hỏi quyền lợi.
Người cha cao lớn ngày nào giờ đã già yếu và mắc bệnh hiểm nghèo. Ông tìm lại con trai chỉ vì muốn có người phụng dưỡng mình tuổi già. Dẫu vậy, nhiều người cho rằng đối mặt với người cha đã nhiều năm không gặp này, Tiểu Vương vẫn sẽ động lòng và chấp nhận lời đề nghị của ông.
Tuy nhiên, Tiểu Vương lại cho biết rằng nhìn thấy cha, những ký ức đau khổ và vết thương bị kìm nén suốt 20 năm qua trong anh bất ngờ ùa về. Anh cảm thấy trong lòng dâng trào những cảm xúc phức tạp: giận dữ, đau đớn, buồn bã, và cả một chút hoang mang không thể diễn tả thành lời.
Sau một thời gian dài thương lượng và hòa giải, Tiểu Vương vẫn quyết định không nuôi dưỡng cha và mẹ kế, cho rằng những tổn thương họ gây ra cho anh là vĩnh viễn không thể hàn gắn, và anh không bao giờ muốn có bất kỳ liên hệ nào với họ nữa.
Trước những lời van xin tha thiết của người cha, Tiểu Vương chỉ đáp lại bằng mấy chữ đơn giản: “Ông và tôi sống chết không liên quan”.
Đối với Tiểu Vương, tha thứ không phải là một đức tính cao đẹp, mà là sự phản bội lại chính bản thân mình và những đau khổ mà anh đã chịu đựng. Dù hành động của Tiểu Vương gây ra nhiều tranh cãi, nhưng rõ ràng mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường cuộc sống của riêng mình, bao gồm việc có tha thứ cho những người từng làm tổn thương mình hay không. Nhiều người cho rằng là người ngoài, chúng ta nên tôn trọng quyết định của Tiểu Vương. Bởi chỉ có chính anh mới hiểu rõ những nỗi đau mà những tổn thương ấy đã gây ra cho mình.
Câu chuyện của Tiểu Vương là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về tầm quan trọng của giáo dục gia đình và tình yêu thương trong việc định hình tương lai của một đứa trẻ. Việc thiếu vắng sự quan tâm, chia sẻ của cha mẹ đã để lại những tổn thương sâu sắc, khiến chàng trai ấy mất đi niềm tin vào tình thân. Sự bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần không những không giúp trẻ trở nên tốt hơn mà còn phá hủy hoàn toàn mối quan hệ gia đình, biến tổ ấm thành nơi đầy rẫy tổn thương.
Cha mẹ cần thấu hiểu rằng, gia đình không chỉ là nơi để ràng buộc trách nhiệm, mà còn là chỗ dựa tinh thần, nơi mang lại sự an toàn và động lực cho con cái. Lắng nghe, chia sẻ, và đồng cảm với cảm xúc của trẻ là cách tốt nhất để xây dựng một môi trường nuôi dạy lành mạnh. Thay vì dùng bạo lực hoặc những lời lẽ xúc phạm, cha mẹ nên dành thời gian để yêu thương, động viên, và cùng con vượt qua khó khăn.
Cuộc sống luôn đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng, nhưng nếu thiếu đi tình yêu thương từ gia đình, con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy cô đơn và tổn thương. Câu chuyện của Tiểu Vương không chỉ là lời nhắc nhở đối với các bậc phụ huynh mà còn là bài học cho tất cả chúng ta: hãy để gia đình trở thành nguồn cội của yêu thương, nơi mà bất kỳ ai cũng muốn quay về, chứ không phải là nơi để trốn chạy.
Theo 163