UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bà Rịa tích cực điều trị, hỗ trợ cho các bệnh nhân nhập viện liên quan đến 2 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm khi ăn tại quán ốc K. (TP Bà Rịa).
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán ốc K., xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, tối 9-12, ông N.Q.L. và ông D.N.C. (cùng SN 1978. ngụ xã An Ngãi, huyện Long Điền) ăn tối tại quán ốc K. Bữa ăn gồm các món sò dương, sò huyết, bào ngư, sam nướng, bò cuộn kim châm, tôm sốt thái.
Đến 23 giờ cùng ngày, khi về nhà rồi ông L. có các triệu chứng như tê buốt răng miệng, xây xẩm mặt mày và được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Khi vào viện, ông L. lên cơn co giật mạnh, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Đến nay, ông L. đã qua cơn nguy kịch, đang truyền than hoạt tính. Còn ông C. chỉ bị đau bụng, nôn ói. Cả hai trường hợp này đều được chẩn đoán ngộ độc do ăn nhầm so biển.
Theo các bác sĩ, chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, gây tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá hủy, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại, do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.
Về hình thù con sam biển và so biển tương đối giống nhau, trước đó cũng có nhiều trường hợp nhập viện do ăn nhầm so biển.
Con sam (tên khoa học là Tachypleus tridentatus) có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20cm), dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua. Con sam cái nặng khoảng 1kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Đặc điểm của loài sam là luôn luôn đi đôi.
Còn con so biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotunicauda) có hình dáng rất giống con sam, nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ đi một mình.