CES (triển lãm Thiết bị Tiêu dùng Quốc tế) 2025 diễn ra từ ngày 7 tới 11/1/2025 tại Las Vegas (Mỹ) là sự kiện công nghệ lớn diễn ra thường niên vào đầu năm, thường được xem là định hướng cho xu thế công nghệ diễn ra trong cả năm đó. Trải qua 2023 và 2024, năm nay CES 2025 được “bao trùm” bởi trí tuệ nhân tạo, cho thấy AI không còn dừng lại ở những thuật ngữ mà đang hiện diện rõ ràng trong nhiều lĩnh vực, thiết bị thực tiễn từ PC, TV, nhà thông minh tới xe hơi… So với những năm trước, CES năm nay khẳng định rõ trí tuệ nhân tạo đã chuyển mình sang sản phẩm, đề cao sự cá nhân hóa và tính ứng dụng.
Agentic AI – “Biên giới tiếp theo của trí tuệ nhân tạo”
Năm nay, nhiều hãng tập trung vào Agentic AI (AI tác nhân) – một mô hình cho phép hệ thống tự hoàn thành nhiệm vụ với ít can thiệp từ người dùng. Theo dự đoán của Gartner, Agentic AI có thể chiếm đến 15% khối lượng công việc tự động vào năm 2028. Từ việc phân tích dữ liệu bệnh nhân đến triển khai giải pháp quản lý cho các nhà kho hoặc hệ thống cơ điện, Agentic AI mang tới viễn cảnh thiết bị tự hoạt động, chỉ cần nhận nhiệm vụ rồi tự tìm phương án giải quyết.
Nvidia nhấn mạnh Agentic AI là “biên giới tiếp theo” của công nghệ, còn Google cũng đang thử nghiệm Project Mariner cho mục đích vận hành web tự động. Trong khi đó, OpenAI có kế hoạch phát hành Operator – một giải pháp AI có khả năng thực hiện hành động thay người dùng, chẳng hạn lập lịch trình hoặc viết mã.
AI giúp vực dậy thị trường PC
Sau năm 2024 với nhiều dấu hiệu tái định hình, máy tính cá nhân đang lấy lại sức sống nhờ các tính năng AI. Tại CES 2025, Qualcomm thu hút sự chú ý khi giới thiệu nền tảng CPU Snapdragon X, nhắm đến khả năng xử lý hiệu quả và tích hợp AI cục bộ. AMD không kém cạnh với dòng Ryzen 9000 cùng GPU RDNA 4, trong khi Intel ra mắt chip Arrow Lake, tập trung tối ưu năng lực tính toán AI. Cùng lúc, Nvidia tiếp tục đẩy mạnh ảnh hưởng với GeForce RTX 50-series và úp mở “có thể trở thành nhà sản xuất CPU” cho laptop, tạo nên cuộc cạnh tranh bốn phía: AMD, Intel, Qualcomm và Nvidia.
Với dải CPU, GPU phong phú, loạt laptop từ Asus, Dell, LG… cũng chạy đua với màn hình OLED, Wi-Fi 7, chuẩn PCIe 5.0. Giới quan sát nhận định thị trường PC, sau thời gian ảm đạm, đang phục hồi nhờ AI hỗ trợ. Từ Copilot PC đến NPU được tích hợp, mục tiêu là giúp máy chạy trơn tru hơn, giảm điện năng và mang lại tính năng thông minh (tự xử lý ảnh, văn bản, đề xuất ý tưởng…) ngay trên thiết bị.
TV cũng trang bị AI tạo sinh (GenAI)
Khác với trước kia, TV giờ là “quán quân giải trí” với màn hình kích thước lớn, kèm tính năng AI hỗ trợ sâu hơn. Tại CES 2025, nhiều hãng TV sử dụng nền tảng Google, bổ sung một công nghệ mới mang tên Gemini. Người dùng chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói tự nhiên để TV gợi ý chương trình, sắp xếp lịch, hoặc thậm chí phục vụ nhu cầu học tập. TCL, Hisense thông báo sẽ trang bị camera và micro tích hợp, cho phép TV nhận diện người dùng và hiển thị nội dung phù hợp.
Về công nghệ hiển thị, các dòng TV mới của LG, Samsung, Hisense hoặc TCL cạnh tranh với tấm nền chấm lượng tử (QD), Mini LED, hoặc OLED nâng cấp… Tần số quét 165 Hz, HDR siêu sáng… được coi là tiêu chuẩn mới. Thế hệ TV 2025 không chỉ là công cụ xem phim, mà còn phục vụ kết nối nhà thông minh, điều khiển nhiều thiết bị thông qua nền tảng giọng nói.
Nhà thông minh cần chuẩn chung
CES 2025 đánh dấu cột mốc chuẩn Matter chính thức thống lĩnh hệ sinh thái nhà thông minh (smarthome). Apple, Google, Amazon, Samsung và hàng loạt tên tuổi đồng loạt xác nhận các sản phẩm mới hỗ trợ chuẩn chung này, giúp người dùng tự do chọn thiết bị mà không sợ kén nền tảng. Khóa cửa, camera an ninh, bóng đèn, máy điều hòa… đều có thể tương tác cùng nhau qua Matter.
Xu hướng này không chỉ giải quyết phiền toái về tương thích, mà còn tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất. Họ không phải chạy vòng để tích hợp hay xin chứng nhận cho nhiều nền tảng. Thêm vào đó, các giải pháp trí tuệ nhân tạo cho nhà thông minh hứa hẹn ngày càng tinh vi hơn, ví dụ dự báo tiêu thụ năng lượng theo lịch sinh hoạt, tự động điều chỉnh ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ cho mỗi thành viên trong nhà.
Thay đổi cách ô tô tương tác
Ngành xe hơi đã tận dụng AI để nâng cấp trải nghiệm lái và tăng độ an toàn. Tại CES 2025, LG gây chú ý với AI In-Vehicle Experience, dùng hệ thống Vision AI theo dõi sức khỏe tài xế, dự đoán mệt mỏi. BMW cũng trình làng màn hình Panoramic iDrive kéo dài trên bảng điều khiển, chuyển phần lớn thao tác sang hiển thị HUD (head-up display). Các hãng xe muốn đơn giản hóa nội thất, xóa bớt nút cứng, tập trung vào nhận diện giọng nói và cử chỉ, cho phép xe hiểu người lái nhiều hơn.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ cảm biến trên xe được AI phân tích tức thì để tự điều chỉnh tốc độ, phát tín hiệu cảnh báo nguy cơ va chạm, hoặc đề xuất lộ trình thông minh. Kết nối 5G, 6G, cùng khả năng cập nhật OTA (Over The Air) khiến ôtô cũng giống như thiết bị điện tử thời AI, liên tục bổ sung chức năng mới, khắc phục lỗi từ xa mà không cần đến đại lý.