Nội dung trên được đưa ra tại Thông tư số 16 về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học.
Theo thông tư này, các điều chỉnh, bổ sung đều tập trung vào đào tạo sau đại học. Trong đó, quy định giảng viên trong điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, bên cạnh yêu cầu có ít nhất 1 hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, thông tư này bổ sung 2 nội dung về điều kiện giảng viên.
Một là “có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện: Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ hoặc trong 5 năm gần nhất đã tham gia hướng dẫn 5 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác).
Đồng thời các giảng viên đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Hai là phải đạt các tiêu chí của chuẩn áp dụng cho các trường đào tạo tiến sĩ bao gồm: tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian.
Thông tư cũng bổ sung quy định về giảng viên trình độ thạc sĩ. Theo đó, trong 5 năm gần nhất, số giảng viên của ngành đào tạo thạc sĩ phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo.
Đồng thời Thông tư cũng quy định, các giảng viên đã công bố tổng số ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
Trong văn bản trả lời phản ánh của cử tri Đà Nẵng hồi tháng tháng 2/2023 về “tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, ít có công trình khoa học đột phá, áp dụng trong đời sống xã hội”, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam hiện nay chưa đồng đều giữa các trường.
Nguyên do nguồn lực đầu tư hạn chế, một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo. Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình. Hiện còn tồn tại tình trạng “nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án”, thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học…
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo sau đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp như hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ cũng tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, định kỳ rà soát, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm các quy định trong quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, trong đó đặc biệt lưu ý việc xét duyệt đề tài, định hướng và nội dung nghiên cứu bảo đảm đáp ứng yêu cầu về giá trị khoa học và thực tiễn.
Ông đề nghị các cơ sở giáo dục cần tăng cường công khai, minh bạch danh mục đề tài luận văn, luận án, học viên cao học, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và nội dung các luận văn, luận án trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành.
“Đặc biệt, đề cao liêm chính khoa học, tránh nể nang, dễ dãi trong việc hướng dẫn, đánh giá và phản biện luận văn, luận án”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.