Dự án Nhà máy thủy điện Nam Ngum 3 hiện hoàn thành hơn 80%, dự kiến sẽ đi vào hoạt động và bắt đầu phát điện vào đầu năm 2027. Khi hoàn thành, đây sẽ là đập đá đổ cao nhất ASEAN với chiều cao 210 mét, theo Khaosan Pathet Lao.
Ông Phoukham Sithidala, Trưởng ban Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Nam Ngum 3, cho biết dự án này trải dài trên ba huyện của hai tỉnh – huyện Phoukoud ở tỉnh Xieng Khuang, các huyện Anouvong và Long Cheng ở tỉnh Xaysomboun.
Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2013, với kế hoạch ban đầu là hoàn thành dự án và bắt đầu phát điện vào năm 2021. Tuy nhiên, những thách thức về tài chính đã gây ra sự chậm trễ, tạm thời dừng dự án.
Việc xây dựng đã được nối lại vào cuối năm ngoái.
Nhà máy thủy điện Nam Ngum 3 có tổng công suất phát điện lắp đặt là 480 MW và dự kiến sẽ tạo ra 2.345 GWh điện mỗi năm. Dự án nhằm mục đích tăng cường sự ổn định an ninh năng lượng của đất nước bằng cách cung cấp điện cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo Sách trắng An ninh năng lượng “Định hướng chính sách phát triển toàn diện và bền vững cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và ý nghĩa đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á” do Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á phát hành năm 2024, mặc dù xuất khẩu điện sang các nước láng giềng, CHDCND Lào vẫn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm dầu mỏ thành phẩm nhập khẩu như xăng, dầu diesel, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và dầu hỏa để tiêu thụ trong nước trong các lĩnh vực vận tải, thương mại và dân dụng.
“Sự phụ thuộc này khiến an ninh năng lượng của CHDCND Lào trở nên dễ bị tổn thương, đòi hỏi phải có chiến lược an ninh năng lượng phù hợp để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn”, ông Saleumxay Kommasith – Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào – nêu trong tài liệu.
Lào là “cục pin của Đông Nam Á”
Năm 2022, Lào đã xuất khẩu 2,38 tỷ USD điện, trở thành nước xuất khẩu điện lớn thứ 17 trên thế giới, theo báo cáo thống kê của trang OEC. Cùng năm đó, điện là sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất tại Lào. Các quốc gia chính mua điện từ Lào là: Thái Lan (2,03 tỷ USD), Campuchia (188 triệu USD), Việt Nam (134 triệu USD), Singapore (24 triệu USD) và Trung Quốc (3,69 triệu USD).
Các thị trường xuất khẩu điện tăng trưởng nhanh nhất của Lào trong giai đoạn 2021-2022 là Thái Lan (235 triệu USD), Campuchia (79,6 triệu USD) và Việt Nam (66,2 triệu USD).
Xuất khẩu điện của Lào sang các nước láng giềng và các quốc gia ASEAN dự kiến sẽ tăng lên khoảng 20.000 megawatt (MW) trong giai đoạn 2020-2030. Điện được coi là nguồn thu nhập khổng lồ của Lào, đặc biệt là thông qua xuất khẩu sang các nước láng giềng và các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Singapore, Vientiane Times đưa tin.
Điện được xuất khẩu từ Lào sang các nước ASEAN thông qua Thái Lan bằng đường dây truyền tải. Theo thông tin cập nhật trên trang web Cổng thông tin thương mại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, điện đầu tiên được cung cấp cho Malaysia và sau đó được truyền qua đường dây truyền tải của Malaysia đến Singapore, Tân Hoa Xã trích nguồn.
Nhu cầu về điện tại Lào tăng vào năm 2019 do dân số tăng và số lượng nhà máy tăng. Năm 2019, mức tiêu thụ trong nước là 1.222 MW và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng 1.800 MW trong giai đoạn 2020-2025.
Lào có tiềm năng xuất khẩu điện sang các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar, và sang Malaysia và Singapore bằng cách tích hợp các đường dây truyền tải và hệ thống phân phối để thực hiện các giao dịch và trao đổi điện.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, Lào sẽ có thể tạo ra khoảng 20.000 MW điện từ năm 2020-30. Trong giai đoạn này, chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 9.000 MW điện từ Lào, Campuchia khoảng 6.000 MW, Việt Nam khoảng 5.000 MW, Myanmar khoảng 300 MW và Malaysia khoảng 300 MW.
Nikkei Asia gọi Lào là “cục pin của Đông Nam Á” và cho biết thủy điện chiếm 70% tổng sản lượng điện ở Lào.