Biếu 30 triệu cho đằng nội ăn Tết, cặp vợ chồng vẫn bị gọi điện “nhắc nhở”
Tết Nguyên đán chỉ còn cách chúng ta hơn 3 tuần nữa. Một trong những khoản tiêu Tết cũng rất được quan tâm là biếu cha mẹ thế nào. Sau một năm lao động vất vả, con cái nào cũng muốn biếu cha mẹ rủng rỉnh một chút, vừa để báo hiếu mà cũng thể hiện rằng bản thân đang sống tốt. Tuy nhiên, biếu bao nhiêu cho đủ và tinh tế cũng là câu hỏi khó.
Như mới đây, một người vợ đã tâm sự về khoản tiền tiêu Tết trong gia đình mình. Cô cho biết tài chính gia đình mình khá rủng rỉnh trong năm nay khi thu nhập của vợ 50 triệu/tháng, còn chồng là 60 triệu/tháng.
Vì cả năm xa nhà nên cặp vợ chồng định biếu bố mẹ chồng 20 triệu, lì xì 5 triệu. Ngoài ra, gia đình này cũng chịu khoản mua sắm Tết như bò khô, mứt kẹo, hoa quả… thêm khoảng 5 triệu. Tưởng chi đến 30 triệu cho đằng nội như vậy sẽ được khen, ai ngờ người vợ bỗng nhận 1 cuộc gọi phàn nàn từ phía chị dâu trong gia đình.
Cụ thể, cô gái tâm sự như sau:
“Vợ chồng mình 31 và 32 tuổi. Thu nhập vợ khoảng 50 triệu và chồng khoảng 60 triệu. Vợ chồng làm Freelance nên không có thưởng Tết. Trộm vía năm nay kinh tế vẫn ổn. Bọn mình cũng đã lớn và tự lập kinh tế nên không có gì phải lăn tăn hay vén khéo. Tuy nhiên, Tết này lại có một vấn đề nhờ mọi người tư vấn để khách quan nhất.
Năm ngoái mình cưới trước Tết 2 tháng, Tết vợ chồng mình biếu mỗi bên nội ngoại 15 triệu.
Xong Tết vợ chồng mình ở riêng, làm xa, Tết này mới lại về.
Ý của vợ chồng mình là năm nay làm ăn ổn định, vẫn biếu nội ngoại như nhau nhưng do đón Tết ở nội nên ngoài 20 triệu biếu Tết + 5 triệu lì xì, gia đình mình sẽ chịu khoản mua sắm đồ Tết như bò khô, mứt kẹo, hoa quả… thêm khoảng 5 triệu. Còn bên ngoại thì khoản bánh kẹo sẽ do vợ chồng em trai mình lo.
Thế nhưng lúc báo lịch về Tết lên nhóm gia đình nhà nội thì chị dâu (chị lấy anh trai chồng mình) gọi điện cho mình. Bảo vợ chồng mình năm nay biếu bố chồng mình “vừa phải”, căn cứ mặt bằng chung, đừng chơi trội, gia đình anh chị không theo được. Biếu ông ít thì sợ ông lại so sánh với nhà mình, mà biếu nhiều anh chị không có.
Chị cũng nói quanh năm anh chị lo rằm, giỗ, đến Tết biếu nhiều áp lực lắm. Mặc dù giỗ, rằm nào gia đình mình cũng góp giỗ đàng hoàng tầm 3-5 triệu. Giỗ ở nhà chỉ làm 1-2 mâm cúng thôi, không mời khách.
Mình có trả lời: Gia đình em ở xa, không góp được công sức nhiều như 2 bác nên em muốn biếu ông thêm 1 ít gọi là. Còn 2 bác ở nhà luôn tay chân lo việc, ông đều ghi nhận mà.
Nhưng chị có vẻ không hài lòng, nói lẫy. Hôm nay lại gọi hỏi nhà mình chốt số tiền biếu ông chưa, để anh chị còn đi vay.
Khách quan thì mình nên xử lí việc này thế nào? Nhờ mọi người tư vấn. Do chủ yếu đi làm ngoài, đối tượng khách nước ngoài nên mình không được khéo mảng đối nội”.
“Ở gần việc gì cũng đến tay, nhưng không bằng người ở xa lâu lâu về cho ít tiền”
Sau khi cô gái đăng tải bài viết, nhiều người đều đồng tình rằng nên theo mức tiền của chị dâu để đỡ khó xử với gia đình nhà nội. Một số còn nhận xét: “Ở gần việc gì cũng đến tay, nhưng không bằng người ở xa lâu lâu về cho ít tiền”.
Nhiều netizen cho rằng mặc dù 2 vợ chồng trong câu chuyện trên biếu Tết số tiền lớn, nhưng trong năm qua gia đình nhà chị dâu ở gần thì cũng chăm lo rất nhiều cho nhà nội. Nếu 2 vợ chồng muốn biếu nhiều tiền, dễ khiến bố mẹ chồng so đo, dù cho công sức chăm lo cha mẹ của 2 bên đều gần như ngang bằng nhau.
Đứng trước những ý kiến trái chiều này, cô gái đã phải giải thích thêm về hoàn cảnh gia đình mình ở bên dưới phần bình luận:
“Một số anh chị hiểu lầm, em thêm thông tin ạ:
– Anh chị ở riêng, cách ông 10km, đã xây nhà đất do ông bà cho.
– Ông 65 tuổi, lương 5 triệu, tự lo cơm nước và hương khói mùng 1, ngày rằm.
– 3 đám giỗ, mỗi đám mặc định đặt 2 mâm, gia đình mình chi trả. Hoa quả, xôi gà ông lo.
– Mỗi tháng gia đình em góp 3 triệu, anh chị góp 1 triệu biếu thêm ông. Anh chị về ông tháng 1 lần thăm ông và đưa lương (họ thanh toán lương ông qua tài khoản, ông không đi rút được)
– Nếu ông đi khám bệnh anh chị phụ trách đưa đi, gia đình em phụ trách chi trả toàn bộ.
Ngoài ra, hàng tháng nhà mình cho ông 3 triệu, anh chị cho ông 1 triệu. Góp vào để chi tiêu ạ”.
Thế là bên dưới phần bình luận, nhiều người đã “quay xe” và không còn trách móc cô gái trong bài viết. Có thể thấy mặc dù đi làm xa nhà, song cô gái cũng đã chủ động biếu ông bà được rất nhiều, chứ không phải bỏ cả năm, đến gần Tết mới đưa một cục tiền.
Biếu cha mẹ thế nào cho hợp lý?
Bên dưới bài viết, nhiều người cũng lần lượt đưa ra lời khuyên về việc nên biếu cha mẹ số tiền thế nào cho phù hợp.
Đa số đều cho rằng cô gái nên biếu số tiền ngang bằng với gia đình nhà chị dâu, để tránh việc so sánh số tiền giữa 2 bên. Chưa kể chị dâu đã gọi điện “nhắc nhở” như vậy mà vẫn còn biếu nhiều hơn thì sau này sẽ rất khó nhìn mặt nhau.
Nếu muốn biếu nhiều hơn, cô gái có nhiều cách như biếu thành nhiều dịp trong năm, hoặc mua những đồ dùng thiết yếu trong gia đình ((tủ lạnh, máy giặt…)
Dưới đây là một số bình luận góp ý của netizen:
– “Mình cũng như chị dâu của bạn, sống cùng mẹ chồng lớn tuổi lo toan gia đình nhưng có hơn thế cũng không được ghi nhận. Biếu số tiền lớn bà vui, nhưng anh chị không vui vì sau khi bạn đi thì sẽ là câu chuyện: “Đấy! Con dâu như nó mới đáng đồng tiền bát gạo”.
– “Mình là bạn thì mình biếu ông bà 8 triệu. Còn biếu anh chị chồng 5 triệu Vì sao ư? Đúng như bạn nói là anh chị chồng ở chung lo liệu các việc nên sẽ vất vả. Mình gửi biếu để anh chị sắm sửa Tết thêm cho vui. Tổng 13 triệu. Còn 2 triệu trong gói 15 triệu thì bảo cho cháu (con nhà anh chị chồng) để các cháu mua quần áo Tết. Vẹn cả đủ đường luôn”.
– “Biếu ít thôi ạ. Không năm sau lỡ không làm ăn được bằng năm trước, biếu ít đi thì mình lại tự ngại. Biếu 5-10 triệu gì đó. Còn lại sắm sửa đồ Tết, điện tử ạ. Như nhà chưa có tivi to hay tủ lạnh hay máy giặt điều hoà cũ rồi thì đổi mới sắm cho các cụ luôn”.
– “Chị dâu bạn nói chuẩn quá còn gì. Ở gần việc gì cũng đến tay nhưng sẽ không bao giờ bằng đứa ở xa về lâu lâu cho ít tiền. Bạn tốt nhất nên biếu Tết vừa phải, còn lại dàn đều qua các dịp khác. Và nếu bạn thấy chị dâu vất vả thật sự thì nên lấy số tiền đó phụ chị dâu, biếu nhà c dâu thì chuẩn bài ai cũng iu quý bạn”.
– “Chị chồng nói đúng, cho thì có nhiều cách. Không cho lúc này cho lúc khác. Thương anh chị chồng thì bạn san bớt phần bố mẹ cho anh chị cũng được. Mang tiếng người góp công góp của, chứ góp công thì ít được người khác ghi nhận bằng góp của lắm”.
– “Biếu bằng với nhà chị dâu là hợp lý. Hết tết thì biếu thêm cho ông bà ăn quà. Ra tết thì gửi lượt nữa ăn Rằm, tháng Giêng, cho ông đưa bà đi chơi, 8/3 cho bà rồi tiện cho thêm ông… Còn đầy dịp thể hiện sự quan tâm của mình mà riêng gì ngày Tết. Cũng đừng quên lì xì quà cáp cho nhà anh trai, vì anh chị cũng ở gần chăm sóc bố mẹ lo toan việc ngoài đó nữa. Thế là vẹn mà! Chỉ sợ không có tiền mà cho, chứ có như bác là em cho tất”.
– “Chị dâu bạn nói cũng đúng 1 phần bạn ơi. Nếu bạn cảm thấy 2 bạn ở xa không chăm lo được cho bố mẹ chồng, bạn có thể đều đều 3 tháng 1 lần biếu ông bà tiền chứ không phải cứ Tết đến đưa 1 cọc vậy. Chắc chắn ô bà có sự so sánh, vô tình sẽ gây áp lực cho gia đình khác”.
– “Có nhiều cách mà. Nhưng nếu là mình, mình cũng sẽ biếu bằng chị dâu. Sau đó dặn chị dâu là đừng mua sắm gì vội, đợi em về rồi cùng mua sắm. Sau đó, thì mình sẽ chỉ trả toàn bộ tiền sắm Tết. Anh chị ở nhà làm giỗ Chạp như nhà ngoại mình, thì mình thấy chị dâu quá vất vả luôn ấy. Nếu có điều kiện bù đắp được thì nên làm bạn ạ. Còn nếu bạn thấy vẫn muốn biếu thêm thì đợi sau Tết biếu thêm vào dịp khác”.
– “Thay vì biếu nhiều vào Tết thì chia nhỏ trong năm. Biếu 10 triệu thôi để anh chị đỡ áp lực, Tết mua sắm hết rồi ông bà cũng lo mấy nữa đâu. Còn nếu bạn muốn biếu thì ầm thầm cho vào phong bì mà biếu riêng. Còn nhà bạn kinh tế khá, tháng nào cũng gửi thêm anh chị 1-2 triệu bảo em ở xa không lo đc cho ông bà, bác ở gần có gì hỗ trợ giúp em. Mình đỡ nặng lòng mà anh chị cũng thoải mái“.