Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 – VESF 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chia sẻ những nhận định sâu sắc về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024, đồng thời đưa ra các định hướng và giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025.
Cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết năm 2024 đã khép lại với những kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Chỉ số CPI đạt 3,63%, thấp hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra.
“Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thu ngân sách, Việt Nam đã thu vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng, đạt tổng thu ngân sách hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán và 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ tư liên tiếp ngân sách Nhà nước vượt dự toán đề ra.
Trong lĩnh vực hạ tầng, năm 2024 Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 2.021 km đường cao tốc. Mục tiêu đến năm 2025 là 3.000 km và đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối liên vùng, cùng với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng số khoảng 800 nghìn tỷ đồng.
Theo PGS.TS. Nguyên Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, với chủ đề “Cải cách – Kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững”, mục tiêu của Diễn đàn nhằm bám sát thực tiễn, gắn với những vấn đề của đời sống kinh tế – xã hội đất nước. gắn với bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề mới.
Ông Sơn cho hay, hiện nay chúng ta đang cùng lúc thực hiện 2 cuộc cách mạng: Đó là cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong nâng cao hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ và năng suất, chất lượng chung của nền kinh tế để đuổi kịp, tiến cùng các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, bối cảnh thế giới và khu vực đã, đang và sẽ tiếp tục được dự báo có nhiều diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn và khó đoán định hơn trước.
Thách thức và cơ hội của Việt Nam trong thời kỳ “Trump 2.0”
Trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ hai của mình, hay còn được gọi là thời kỳ “Trump 2.0”, ông Suan Teck Kin, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) đã đưa ra những phân tích tại Diễn đàn về những thời cơ và thách thức của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, ông Suan Teck Kin cho biết, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có thể sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Thách thức đầu tiên liên quan đến vấn đề thuế quan. Với nền kinh tế có độ mở cao thứ hai trong ASEAN (sau Singapore), Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. với mức độ phụ thuộc về thương mại quốc tế là 84% (cao thứ 2 ở khu vực ASEAN).
Và theo phân tích từ UOB, việc Hoa Kỳ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng sang ASEAN, bao gồm Việt Nam, để gia công, lắp ráp hoặc thay đổi nhãn mác trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
“Điều này có thể khiến Hoa Kỳ siết chặt kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ ASEAN nhằm ngăn chặn gian lận thương mại. Kết quả là hàng hóa từ ASEAN cũng như Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh”, vị chuyên gia UOB cho hay.
Không những thế, hàng hóa Việt Nam chiếm khoảng 3,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Nếu các chính sách thuế quan mới được áp dụng, Việt Nam và ASEAN có thể đối mặt với rủi ro gia tăng thâm hụt thương mại.
Thứ hai, thách thức về thị trường tài chính. Biến động giá trị đồng USD có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với thị trường tài chính Việt Nam, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, máy móc và thiết bị từ nước ngoài. Do đó, khi đồng USD tăng giá, chi phí nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Suan Teck Kin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã và đang có những biện pháp điều hành phù hợp để giảm thiểu áp lực từ biến động tỷ giá, do đó rủi ro từ thách thức này sẽ được kiểm soát ở mức ổn định.
Thứ ba, thách thức về chuỗi cung ứng. Ông Suan Teck Kin cho hay, ASEAN hiện là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, với Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN.
Hơn nữa, ASEAN có thể trở thành mục tiêu của Hoa Kỳ trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN gia tăng, đặc biệt là với Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
“Trong bối cảnh Trump 2.0, Việt Nam cần chủ động xây dựng chính sách phù hợp và chiến lược thu hút đầu tư FDI một cách thông minh để duy trì đà tăng trưởng và ổn định kinh tế”, ông Suan Teck Kin gợi ý.
Mặc dù có thể gặp phải nhiều thách thức, song ông Suan Teck Kin cũng cho rằng Việt Nam sẽ có được nhiều cơ hội trong năm 2025 trong thời kỳ Trump 2.0. Đầu tiên, Việt Nam cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể.
“Dù chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam chủ động mở rộng và tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác”, vị lãnh đạo UOB nhận định.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể. Bên cạnh đó, không chỉ tập trung vào thị trường, Việt Nam còn cần mở rộng danh mục các mặt hàng xuất khẩu. Hiện nay, máy tính và linh kiện điện tử là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng Việt Nam cần thúc đẩy thêm nhiều nhóm hàng khác để giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào các mặt hàng trọng điểm.
“Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, chẳng hạn như đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm du lịch và giáo dục – đây đều là những lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam có thể khai thác mạnh mẽ hơn trong tương lai”, ông đề xuất.
Cơ hội thứ hai đến từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước. Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như sân bay, cầu, cảng biển không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế trong những năm tới.
Tiếp đến là cơ hội liên quan đến hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Với dư địa này, chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Kết thúc bài phân tích, ông Suan Teck Kin đánh giá, với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 7,09% trong năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh bền bỉ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.