Người được nhắc đến chính là thái tử Lý Long Xưởng.
Lý Long Xưởng sinh năm 1151, là con trưởng của vua Lý Anh Tông. Ngay sau khi chào đời, Long Xưởng được vua phong tước Hiển Trung vương rồi lập Đông cung thái tử, chuẩn bị sẵn ngôi kế vị. Lúc đó, ngôi vị hoàng đế Đại Việt tương lai dường như đã chắc chắn thuộc về Lý Long Xưởng.
Tuy nhiên, từ khi được lập làm thái tử, Lý Long Xưởng chỉ lo ăn chơi, đàn đúm và đặc biệt vô cùng hoang dâm háo sắc, bất chấp loạn luân, vua Lý Anh Tông dần dần cảm thấy chán nản với con trai mình.
Theo sách Đại Việt sử lược, Lý Long Xưởng có tính háo sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ… Chiêu Linh hoàng hậu biết rõ bản chất xấu xa của con, nhưng chẳng những không can ngăn mà còn “đổ dầu vào lửa”.
“Vào buổi đó, trong số các phi tần, vua Lý Anh Tông đặc biệt sủng ái bà Nguyên phi Từ Thị. Nhằm hạ bệ tình địch, hoàng hậu Chiêu Linh xúi con làm điều vô đạo, tư tình mê hoặc Từ Thị, muốn cho bà Nguyên phi này bị nhà vua nhạt tình.
Biết vậy, Từ Thị đem hết việc đó tâu vua… Vì vốn ghét thái tử vô lễ, ăn chơi trác táng, rồi lại nghe chuyện Long Xưởng gan to hơn trời, ve vãn cả thiếp yêu của mình, vua Lý Anh Tông giận dữ tột cùng, đã hạ chỉ phế Long Xưởng”.
Tháng 9/1174, Lý Long Xưởng bị phế làm thứ dân và bị bắt giam một thời gian.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi vua Lý Anh Tông ốm nặng, Chiêu Linh hoàng hậu xin lập thái tử Lý Long Xưởng kế vị. Vua nói: “Làm con bất hiếu, dám thông dâm với phi thần của cha thì trị dân làm sao được?”.
Ít lâu sau, nhà vua băng hà, để lại di chiếu cho con trai thứ 6 là Lý Long Trát (sau này là vua Lý Cao Tông) khi đó mới 3 tuổi lên ngôi và giao cho Tô Hiến Thành phò tá ấu chúa.
Trong lịch sử Việt Nam, hiện tượng kiểu Lý Long Xưởng thông dâm với vợ của vua cha không phải là duy nhất. Sử sách chép rằng, khi còn là một hoàng thân – Mạc Kính Chỉ (cháu nội của vua Mạc Hiến Tông) gây nên chuyện động trời, khiến người đời khó bỏ qua.
Đại Việt thông sử viết: “Mạc Kính Chỉ là con cả của Kính Điển, mới đầu được phong là Hùng Lễ Vương, vì tư thông với thiếp của cha nên bị giáng xuống làm thứ dân, sau đó lại khôi phục”.