Những vai diễn để đời của NSND Phùng Há
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phùng Há được coi là một trong những “vị tổ của bộ môn cải lương”, với nhiều cống hiến trong suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật. Bà để lại dấu ấn với hàng loạt vai diễn huyền thoại, đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc, tỏa sáng trên sân khấu.
Tên thật của NSND Phùng Há là Trương Phụng Hảo, bà sinh năm 1911 tại Mỹ Tho. Là con thứ 6 trong một gia đình nghèo và đông anh em, Phùng Há sớm bộc lộ đam mê ca hát, diễn xuất. Năm 9 tuổi, cha bà đột ngột qua đời, kéo theo hàng loạt biến cố trong cuộc sống. Bà phải làm đủ nghề, trong đó có việc làm công trong lò gạch để mưu sinh.
Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật cải lương và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc. Một trong những ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ là điệu hát của vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình.
Bước ngoặt tới với nữ nghệ sĩ vào năm bà 13 tuổi, khi gánh hát Tái Đồng Ban được thành lập, ông bầu gánh Hai Cu mời bà tham gia với vai trò đào chính cùng với kép chính Năm Châu. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và được công chúng mến mộ. Năm 18 tuổi, Phùng Há đã lập được gánh hát riêng, lưu diễn khắp nơi, phổ biến nghệ thuật cải lương tới mọi ngõ ngách.
Các vai diễn để đời của bà có thể kể tới như: Tái sanh duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, Đường Minh Hoang, Dương Quý Phi, Đời cô Lựu… Những bạn diễn ăn ý với nữ nghệ sĩ lúc bấy giờ là NSND Nguyễn Thành Châu, Tư Út, Tư Thạch, Duy Lân.
Không chỉ thành công diễn xuất, NSND Phùng Há còn là người thầy tài ba, luôn tận tâm với học trò. Bà truyền dạy cho nhiều thế hệ nghệ sĩ danh tiếng như: Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Diệu Hiền… Năm 1984, bà là nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên.
Đường tình duyên nhiều cay đắng, trắc trở
Thành công trong sự nghiệp nhưng đường tình duyên của NSND Phùng Há lại nhiều đắng cay và nước mắt.
Năm 1926, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cùng năm này, bà kết hôn với nghệ sĩ Tư Chơi và có với nhau một người con gái tên Bửu Trân (1926–1959).
Năm 1929, bà ly hôn, sau đó kết hôn với nhà phú hộ Bạch công tử Lê Công Phước. Cả 2 có với nhau 2 người con, một con trai và một con gái: Con trai đầu tên Paul Lộc, qua đời do chứng bệnh ban trắng khi mới 2 tuổi, con gái út là Suzane Lý cũng mất sớm vì bệnh.
Khi con gái qua đời, cuộc hôn nhân giữa bà và Lê Công Phước cũng chấm dứt. Năm 1940, 4 năm sau khi kết thúc cuộc hôn nhân thứ 2, Phùng Há kết hôn với Nguyễn Hữu Bửu, người đã lập ra gánh hát Phùng Hảo cho bà quản lí. Sau khi gánh hát Phùng Hảo tan rã, cuộc hôn nhân thứ 3 của bà cũng kết thúc.
Về sau, Phùng Há kết hôn với Châu Văn Sáu (còn gọi là Bầu Nhơn), nhưng cuộc hôn nhân cuối cùng này cũng chấm dứt sau năm 1959.
Tháng 7/2009, NSND Phùng Há trút hơi thở cuối cùng ở TP.HCM, hưởng thọ 99 tuổi tại bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM). Bà được an táng trong nghĩa trang nghệ sĩ do bà lập nên trong phần đất của Chùa Nghệ sĩ.
Trong suốt 99 năm cuộc đời, NSND Phùng Há cống hiến phần lớn thời gian cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ngoài ra bà còn sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP.HCM và chùa Nghệ sĩ ở quận Gò Vấp để chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, neo đơn.
Bà từng đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn trên mảnh đất hơn 6.000 mét vuông để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Nghệ sĩ cũng tự bỏ tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo.