Năm mới là dịp nhiều người sẽ tự thưởng cho mình một chiếc điện thoại mới nhưng đi kèm với đó là thách thức về việc phải làm gì với thiết bị cũ.
Cây bút Josh Render trên Tom’s Guide chia sẻ về kinh nghiệm từng làm việc ở một nơi chuyên bán đồ điện tử cũ. Anh thấy rất nhiều người mang điện thoại, máy chơi game, máy tính bảng và PC đến để bán và họ đều mắc vài lỗi sơ đẳng khiến quá trình giao dịch kéo dài, phức tạp và thậm chí thu được số tiền ít hơn kỳ vọng.
Bán điện thoại cũ sẽ trở nên đơn giản và tận dụng được giá trị lợi nhuận tối đa nếu người dùng không mắc phải ba lỗi sau đây.
Kiểm tra và vệ sinh điện thoại trước khi bán
Điều đầu tiên cần làm là hãy soi kỹ điện thoại từ mọi góc độ. Hãy đảm bảo thiết bị sạch sẽ, đồng thời kiểm tra xem có hư hỏng ở phần nào đó không.
Lý do là vì bụi bẩn có thể che giấu nhiều vết xước hơn bạn nghĩ, khiến tính thẩm mỹ giảm xuống, có thể khiến thợ kiểm tra điện thoại có ấn tượng xấu về thiết bị. Điều này dẫn đến cửa hàng có thể đẩy thiết bị xuống mức phân loại xấu thay vì trung bình, giá thu mua cũng giảm đi.
Khu vực cần xem xét nhiều nhất là ở màn hình và ốp lưng. Quan trọng hơn cả, nếu dán miếng bảo vệ màn hình, hãy tháo ra và kiểm tra kỹ màn hình nguyên bản. Tôi đã thấy không ít người mang điện thoại đến để bán vì bị nứt mà không nhận ra mình có dán lớp bảo vệ ở trên.
Cuối cùng, hãy kiểm tra nút bấm và kiểm tra sạc để đảm bảo mọi thứ hoạt động bình thường. Ví dụ, kiểm tra xem có thứ gì chặn cổng sạc khiến máy gặp lỗi hay không. Bạn cũng cần kiểm tra loa hoặc các nút để đảm bảo không có thứ gì chặn lại.
Có rất nhiều lỗi trên điện thoại được giải quyết chỉ bằng cách vệ sinh kỹ lưỡng. Chính điều này có thể cải thiện mức giá thu mua như mong đợi. Nếu không, thợ sẽ ép ở mức giá thấp, khiến bạn nghĩ rằng tình trạng điện thoại của mình thực sự tệ. Còn cửa hàng sẽ nhận được món hời. Chỉ với vài thao tác đơn giản, họ sẽ lại bán được máy cho người khác với giá cao.
Đặt lại điện thoại và xóa tài khoản
Mọi lời khuyên trước khi bán điện thoại đều là đặt lại toàn bộ cài đặt gốc và dữ liệu, dù là iPhone hay Android, trước khi bán nó. Có một lý do chính đáng cho việc này; bạn giữ rất nhiều thứ khá nhạy cảm trên máy mà chắc chắn không muốn cho bất cứ ai nhìn thấy.
Tôi biết là thợ kiểm tra điện thoại sẽ không xem trộm hình ảnh của bạn, nhưng phòng bệnh vẫn hơn là chữa bệnh. Không chỉ vậy, nếu dữ liệu của bạn vẫn còn đó, người mua lại phía sau sẽ vẫn truy cập được.
Bạn nên đảm bảo mình có số IMEI của điện thoại khi bán thiết bị, vì điều này giúp chứng minh tính sở hữu dễ dàng hơn thay vì bị nghi ngờ là đồ mất cắp.
Còn một vấn đề khác nữa là nếu không xóa dữ liệu thì điện thoại sẽ bị khóa (iPhone). Điều này gây ra rắc rối và tốn thời gian không cần thiết trong lúc bán lại.
Nắm rõ cửa hàng mà mình bán điện thoại
Cuối cùng, bạn nên nắm mọi thứ về yêu cầu thu máy cũ của cửa hàng cũng như hệ thống phân loại thiết bị của họ. Phần lớn, yếu tố chính mà cửa hàng xem xét trả giá là chất lượng của điện thoại (về ngoại hình, lỗi hỏng) như đã nêu ở trên.
Nhưng vẫn có thêm các yếu tố bên lề khác giúp tăng giá trị bán lại. Đầu tiên là hộp máy, bao gồm tất cả giấy tờ, phụ kiện đi kèm. Máy cũ bán đi vẫn giữ hộp sẽ phần nào đó tăng thêm giá bán lại cho thiết bị.
Tiếp theo là cáp sạc. Hầu hết các nơi sẽ yêu cầu cáp sạc zin đi kèm với điện thoại và nếu không có, bạn sẽ bị trừ đi một số tiền khoảng vài trăm nghìn. Cần lưu ý rằng các cửa hàng thường không nhận tai nghe, ngay cả khi chúng được bán kèm điện thoại do lo ngại về sức khỏe và an toàn.
Cuối cùng, và điều này rất quan trọng, hãy đảm bảo bạn biết rõ về cửa hàng và người mua trước khi giao thiết bị. Lời khuyên vẫn là đến các cửa hàng uy tín, có tên tuổi, đặc biệt là trong mảng thu mua máy cũ. Nếu là cửa hàng bạn từng mua chính chiếc máy đó hay có cùng thương hiệu thì càng tốt.
Điều quan trọng cần nhớ là điện thoại vẫn là của bạn cho đến khi bên thu mua nhận máy trả tiền. Vì vậy, nếu cảm thấy mức giá không thỏa đáng hoặc quy trình không hài lòng, bạn hoàn toàn có quyền lấy lại điện thoại và đi đến một cửa hàng khác.