* Dưới đây là chia sẻ của một phụ huynh trên tờ Sohu (Trung Quốc):
Bây giờ đang là 11h tối, nhưng lòng tôi vẫn còn quá nhiều xáo động. Trải qua hành trình dài nuôi dạy 2 con, một đang học lớp 9 và một đang học lớp 5, tôi nhận ra mình không phải là người mẹ tốt. Nhớ lại những gì đã làm với con trong quá khứ, tim tôi như thắt lại, lòng đau quặn. Nhưng may thay, cuối cùng tôi đã nhận ra mình không phải là một người mẹ hoàn hảo.
Từ khi trở thành mẹ, cuộc sống của tôi gắn liền với những lần đánh vật giữa công việc và gia đình, giữa những ước vọng cho con cái và thực tế khó khăn hàng ngày.
Dù bản thân tôi có nhiều băn khoăn trong lòng, nhưng tôi luôn tin mình là một người mẹ tận tâm, luôn đặt lợi ích của con lên trên hết. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu sách về nuôi dạy con cái, tham gia các khóa học online, thậm chí còn tham gia câu lạc bộ để có thêm kinh nghiệm dạy con.
Thế nhưng, nhìn lại một chặng đường đã qua, tôi nhận ra mình không phải lúc nào cũng đúng. Cách nuôi dạy mà tôi một mực tin tưởng, đôi khi lại vô tình tạo nên áp lực lớn cho con cái.
Con trai lớn của tôi là được đánh giá là có tư chất thông minh, học giỏi ngay từ nhỏ. Ngay từ khi bắt đầu biết nói, tôi đã nhận thấy thằng bé có tài năng ngôn ngữ vượt trội. Tôi đặt mục tiêu rằng con phải tỏa sáng trong môn Tiếng Anh, và bắt đầu cho con đi học thêm từ khi chưa vào lớp 1. Tôi đầu tư nhiều tiền cho con học trung tâm, mua sách, máy tính, đăng ký lớp học online.
Cứ tưởng rằng, càng đầu tư nhiều thì kết quả sẽ càng tốt. Nhưng không, càng lớn, con trai tôi càng thể hiện sự mệt mỏi và chán nản. Con đã không còn thích môn Tiếng Anh như trước, và dần dần, bắt đầu tránh né các buổi học thêm. Tôi nhớ lại, có những ngày chủ nhật, hai mẹ con ngồi trong quán cà phê, con thì thầm: “Mẹ ơi, sao con có cảm giác mệt mỏi lắm, lúc nào con cũng chỉ học mà không được vui chơi”.
Lúc đó, tôi cảm thấy rất khó chịu trong lòng và bắt đầu hỏi con lý do vì sao con lại nói thế, vì sao lại không trân trọng những gì mẹ đã đầu tư? Nhưng giờ đây nhìn lại, tôi hiểu con không sai. Đôi khi, sự kỳ vọng và áp lực đến từ cha mẹ chính là rào cản khiến con đánh mất sự hứng thú tự nhiên.
Còn con gái nhỏ của tôi, khác với anh trai nó, là một đứa trẻ nghịch ngợm và thường xuyên làm nhiều điều khiến tôi phải đau đầu. Tôi đã quen với việc kiểm soát mọi điều, nên thường phản ứng mạnh mẽ khi con gái không làm đúng như những gì tôi mong muốn. Từ việc ăn uống, học bài đến những thói quen hàng ngày, tôi luôn cảm thấy phải can thiệp. Tôi nghĩ mình đang giúp con, nhưng thực tế, tôi đang lấy đi quyền tự quyết định của chính con.
Có một lần, con gái tôi đánh rơi bát đĩa khi đang dọn bàn. Thay vì an ủi con, tôi đã mắng nói con rằng: “Tại sao lúc nào con gây rắc rối thế?”. Con nhìn tôi bằng ánh mắt ngấn lệ rồi nói: “Con xin lỗi, con sẽ không làm thế nữa”. Nhưng trong giây phút đó, tôi biết, điều con hứa chỉ là một cách nói để nguôi ngoai sự nóng giận của mình. Tôi đã không cho con cơ hội được sai lầm, và điều đó khiến con sống trong nỗi lo lắng, sợ hãi.
Từ những sai lầm mà bản thân tôi rút ra một bài học lớn: Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng, và con cái có quyền được sống và sai lầm. Thay vì kiểm soát và áp đặt, cha mẹ nên là người đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ con tìm ra con đường của riêng mình.
Những gì tôi nghĩ là tốt cho con, đôi khi lại không phải là điều con thực sự cần. Con cái có quyền được sống, được sai lầm và học hỏi từ những sai lầm đó. Tôi đã từng quên mất rằng chính những vấp ngã, những thất bại mới chính là bài học lớn nhất trong cuộc đời mỗi người.
Nhìn lại, tôi cũng hiểu rằng thay vì luôn cố gắng kiểm soát và áp đặt con theo ý muốn của mình, tôi nên là người đồng hành cùng con trên con đường đời. Con cần có không gian để tìm ra chính mình, và tôi chỉ cần ở đó, lắng nghe và hỗ trợ, chứ không phải là người chỉ huy hay quyết định mọi thứ. Tôi phải tôn trọng sự trưởng thành của con, dù nó có thể khiến tôi cảm thấy lo lắng hay bất an.
Khi tôi nhìn thấy con vượt qua những thử thách, dù là thành công hay thất bại, tôi nhận ra rằng chỉ khi nào con được tự do làm sai, tự do học hỏi, con mới thực sự trưởng thành. Tôi không thể bảo vệ con khỏi tất cả những khó khăn, nhưng tôi có thể ở bên, lắng nghe và hỗ trợ con khi cần thiết. Mỗi người đều có con đường riêng, và tôi cần phải tôn trọng điều đó, thay vì cố gắng đẩy con vào một khuôn khổ mà tôi cho là đúng.
Con cái sẽ không thể trưởng thành nếu cha mẹ chỉ luôn chỉ bảo mà không để con tự lập. Thay vì kiểm soát, tôi muốn là người bạn đồng hành của con, giúp con tìm ra con đường của riêng mình, và sẵn sàng đứng bên cạnh mỗi khi con cần.
Giờ đây, thay vì bắt con trai học thêm các lớp cao siêu, tôi cho con quyền chọn những gì mình thích. Con nói con thích học piano, tôi sẵn sàng đầu tư cho con bởi vì đơn giản là con thích. Con gái nhỏ của tôi được tự do tham gia các hoạt động văn nghệ, mà không bị ép buộc lúc nào cũng phải “hoàn hảo”. Nhờ đó, con cái tôi trở nên vui vẻ, sáng tạo và biết chịu trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình.
Làm cha mẹ không phải là chuyện dễ. Nhưng nếu ta biết học từ những sai lầm, ta sẽ có thể trao cho con một tuổi thơ đẹp nhất, và cho chính ta một cơ hội để trở thành một người cha mẹ tốt hơn.