Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2024, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành ước đạt khoảng 5,5 nghìn tỷ USD. Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP đạt khoảng 1,4 nghìn tỷ USD. Xếp thứ hai là Singapore với quy mô GDP năm 2024 ước đạt 530,7 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Thái Lan và Philippines, với quy mô GDP theo giá hiện hành lần lượt ước đạt 528,9 tỷ USD và 470 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, IMF cho biết, quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 ước đạt khoảng 448,4 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Với kết quả này, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 xếp trên Malaysia (439,75 tỷ USD), Myanmar (64,2 tỷ USD), Campuchia (47,15 tỷ USD), Lào (14,95 tỷ USD), Brunei (15,71 tỷ USD), và Đông Timor (2 tỷ USD).
Xét trên toàn thế giới, dữ liệu của IMF cho hay, quy mô GDP thế giới năm 2024 ước đạt khoảng 110,06 nghìn tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô GDP năm 2024 đạt 29,17 nghìn tỷ USD. Nền kinh tế lớn thứ hai là Trung Quốc với quy mô GDP năm 2024 đạt 18,27 nghìn tỷ USD. Theo sau lần lượt là Đức (4,71 nghìn tỷ USD); Nhật Bản (4,07 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (3,89 nghìn tỷ USD). Với quy mô GDP năm 2024 ước đạt hơn 448 tỷ USD, Việt Nam hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới.
Còn báo cáo của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) đánh giá, năm 2024, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 450 tỷ USD, Việt Nam dự kiến ở vị trí 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT).
Đáng chú ý, các chuyên gia CEBR ước tính, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Theo đó, CEBR dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 676 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 33, đuổi kịp Thái Lan (676 tỷ USD) và vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Singapore (656 tỷ USD), Malaysia (594 tỷ USD).
10 năm sau kể từ năm 2029, cụ thể vào năm 2039, CEBR ước tính, quy mô kinh tế của Việt Nam có thể đạt 1.410 tỷ USD.
Với kết quả này, quy mô kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 25, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.059 tỷ USD), Singapore (982 tỷ USD), Malaysia (1.055 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.