Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận thức và đánh giá chính xác cảm xúc của bản thân và người khác. Những người có EQ cao có thể tiếp cận, khơi gợi cảm xúc, hiểu được các tín hiệu phi ngôn ngữ và điều chỉnh cảm xúc để xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn.
Giáo sư Daniel Goleman từng khẳng định, chỉ số IQ chỉ chiếm 25% sự thành công của bạn. 75% còn lại dựa vào chỉ số cảm xúc EQ. Điều này cho thấy vai trò của trí tuệ cảm xúc đối với tương lai của mỗi người là vô cùng quan trọng.
Harvey Deutschendorf – tác giả cuốn sách Emotional Intelligence Game Changers: 101 Ways to Win at Life & Work” (Những người thay đổi cuộc chơi trí tuệ cảm xúc: 101 cách để thành công trong cuộc sống và công việc), người đã có 20 năm nghiên cứu về thói quen của những người có trí tuệ cảm xúc. Ông nhận ra 7 điều mà những người EQ cao không bao giờ làm khi nói chuyện với người khác.
Không áp đặt quan điểm của mình
Trong một cuộc tranh luận, nếu người đối diện cảm thấy bị ép buộc. Họ sẽ tự nhiên trở nên phòng thủ và dựng lên hàng rào vô hình. Điều này sẽ chống lại nỗ lực thuyết phục của bạn.
Thay vào đó, người EQ cao luôn biết cách để người đối diện có cơ hội bày tỏ và được lắng nghe quan điểm và suy nghĩ của mình. Sau đó, họ sẽ tìm cách cân bằng và đưa ra phương án cuối cùng nhằm hài hoà được quyền lợi đôi bên.
Không chối bỏ trách nhiệm
Những người EQ cao không bỏ qua một vấn đề có khả năng giải quyết chỉ vì nó không thuộc trách nhiệm của mình. Các cá nhân này luôn sẵn lòng chia sẻ thời gian và kiến thức của mình. Họ luôn coi vai trò của mình là một phần quan trọng của tập thể nên thường tìm cách để đóng góp ý kiến.
Không lãng phí thời gian với bất kỳ ai
Những người EQ cao thường chọn các cá nhân có tư duy tích cực, chung mục tiêu và nguyện vọng để kết nối. Nhờ thế, họ nhận được sự giúp sức và ủng hộ lẫn nhau nhằm chinh phục các đỉnh cao.
Với những đối tượng mang tư tưởng tiêu cực, người EQ cao sẽ hạn chế tiếp xúc bởi e ngại bị rút kiệt năng lượng của bản thân.
Không mất tập trung khi nói chuyện
Khi nói chuyện, người EQ cao sẽ không có hành động như liên tục liếc đồng hồ hay mở điện thoại để đọc tin nhắn. Bởi họ hiểu đấy là hành vi thiếu lịch sự và không tôn trọng người đối diện.
Vậy nên trong mọi cuộc trò chuyện với bất kỳ ai, người có trí tuệ cảm xúc cao luôn tập trung 100%, giao tiếp bằng cả cử chỉ và ánh mắt.
Không quên những chi tiết nhỏ
Khi gặp ai đó lần đầu, người EQ cao sẽ thường hỏi tên và nhắc đi nhắc lại điều này trong cuộc trò chuyện nhằm ghi nhớ. Ngoài ra, họ còn ghi nhớ 1 số thông tin khác như con cái, thú cưng, địa điểm nghỉ mát yêu thích của đối phương. Bằng cách này, trong các cuộc gặp gỡ sau đó nếu nhắc được lại, bạn sẽ ghi điểm trong mắt người đối diện.
Khi mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn, bạn hãy cân nhắc đến việc ghi chú lại 1 vài điều quan trọng của đối phương như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm để gửi thiệp hoặc gọi điện chúc mừng vào những thời điểm quan trọng đó.
Không kể những câu chuyện đùa vô vị gây khó chịu
Nếu câu chuyện sắp kể chỉ là một trò đùa vô vị và xúc phạm, bạn đừng kể ra. Bởi đây là một trong những cách nhanh nhất khiến cuộc nói chuyện mất hứng. Thậm chí, người đối diện còn có thể đánh giá bạn là người thiếu hụt về nhận thức và sự nhạy cảm.
Không phải là người nói hết mọi chuyện
Trong những cuộc trò chuyện, người EQ cao thường lắng nghe nhiều hơn. Họ biết cách đặt ra những câu hỏi giúp người đối diện có cơ hội thể hiện bản thân. Bằng cách đó, họ cũng hiểu được cách người đối diện hành động và cảm nhận.
(Theo CNBC Make It)