Đường Lên Đỉnh Olympia từ lâu đã trở thành sân chơi trí tuệ đầy sức hút, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả truyền hình. Không chỉ là nơi để các thí sinh thể hiện khả năng tư duy sắc bén và kiến thức toàn diện, chương trình còn mang đến những thử thách bất ngờ với loạt câu hỏi độc đáo, kích thích sự sáng tạo của người chơi. Trong số đó, có những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến cả các “nhà leo núi” và khán giả không khỏi bất ngờ bởi đáp án.
Cách đây 10 năm, trong một vòng thi của Đường Lên Đỉnh Olympia, một câu hỏi toán học đã gây ra không ít tranh cãi.
Câu hỏi đặt ra rằng: “Từ ba số 7, 0, 2, có thể tạo ra số lớn nhất là bao nhiêu?” Đề bài ngắn gọn, tưởng chừng không quá khó, nhưng đã khiến cả bốn thí sinh trong vòng thi đó không thể đưa ra đáp án chính xác, dẫn đến việc không ai giành được điểm.
Khi câu hỏi này được chia sẻ trên mạng xã hội, hàng loạt người đã tham gia bình luận và đưa ra các đáp án như 270, 702, hay 720, dựa trên cách sắp xếp lại thứ tự của ba chữ số. Tuy nhiên, đáp án đúng lại nằm ở một hướng tư duy khác biệt hơn.
Đáp án chính xác của câu hỏi này chính là 2^70 (hay “hai mũ bảy mươi”).
Vì khi áp dụng phép toán đơn giản như lũy thừa, người chơi sẽ nhận ra rằng có thể nâng giá trị của ba con số lên đáng kể, vượt xa hàng trăm, hàng nghìn hay thậm chí hàng trăm nghìn.
Sự bất ngờ từ đáp án này cho thấy rằng đôi khi, dưới áp lực thời gian và không khí cạnh tranh khốc liệt, các thí sinh có thể bỏ lỡ những cách tư duy khác biệt để giải quyết vấn đề. Điều đó càng làm tăng thêm tính thách thức và sức hấp dẫn của chương trình.
Một bài toán Olympia khác cũng từng khiến thí sinh phải đau đầu. Câu hỏi có nội dung: “Tổng của 2 số là số chẵn lớn nhất có 4 chữ số. Tìm 2 số đó biết hiệu của 2 số đó là số bé nhất có 4 chữ số”.
Sau khi MC đọc câu hỏi, cả 4 thí sinh đã lập tức bấm máy tính tính kết quả, tuy nhiên thí sinh vẫn trượt câu này. Kết quả của bài toán được tính như sau:
Số chẵn lớn nhất có 4 chữ số là : 9998
Số chẵn bé nhất có 4 chữ số là : 1000
Số bé là : ( 9998 – 1000 ) : 2 = 4499
Số lớn là : 9998 – 4499 = 5499
Đáp án: 4499 ; 5499
Không chỉ dừng lại ở những câu hỏi về toán học, “Đường lên đỉnh Olympia” còn mang đến nhiều thử thách thú vị khác, đòi hỏi thí sinh phải nhanh trí và khéo léo suy luận. Trong cuộc thi tháng đầu tiên của Quý III năm 2020, một câu hỏi trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Mạnh Tùng, đến từ Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), đã thu hút sự chú ý lớn từ khán giả.
Nội dung câu hỏi như sau: 1 gia đình có 5 người: bà, bố, mẹ, hai bạn X, Y. Gia đình được tặng 2 vé xem phim. 5 ý kiến của 5 người như sau: “Bà và mẹ đi” (A), “Bố và mẹ đi” (B), “Bố và bà đi” (C), “Bà và X đi” (D), ” Bố và Y đi” (E). Sau cùng mọi người theo ý kiến của bà và như vậy ý kiến của mọi người khác đều có một phần đúng. Hỏi bà đã nói ý nào?
Trước câu hỏi có phần phức tạp, cộng thêm áp lực về thời gian, Mạnh Tùng đã không đưa ra được câu trả lời chính xác.
Lập tức, nam sinh Ngô Phương Nam, đến từ Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An, Quảng Nam), nhấn chuông giành quyền trả lời. Phương Nam đã đưa ra đáp án: “Bố và bà đi” (ý kiến C). Đáp án này sau đó được chương trình xác nhận là đúng.
Với câu trả lời chính xác, Phương Nam đã nâng tổng điểm của mình lên 220 điểm, vươn lên dẫn đầu, trong khi Mạnh Tùng phải chấp nhận về đích với 185 điểm.
Lời giải thích cho câu hỏi này được MC Ngọc Huy đưa ra một cách ngắn gọn nhưng rất thuyết phục: “Đây là một câu hỏi với rất nhiều mệnh đề tuy nhiên tôi chỉ suy nghĩ đơn giản: Bà nói thì chắc chắn là bà muốn đi, ngoài ra bà cũng cần một người đèo bà cùng đi nữa. Như vậy đáp án C là hoàn toàn chính xác.”
Những câu hỏi như trên không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn thách thức khả năng suy luận nhanh chóng và tư duy linh hoạt của thí sinh. Qua đó, “Đường lên đỉnh Olympia” tiếp tục khẳng định vị thế của mình là một sân chơi trí tuệ đỉnh cao, nơi mà không chỉ kiến thức mà còn cả sự sáng tạo và nhạy bén được tỏa sáng.
Tổng hợp