Đồng minh mới nhất của Tổng thống đắc cử Donald Trump trên thị trường tiền số là một doanh nhân gốc Hoa. Gần đây, người đàn ông này cũng bị các cơ quan quản lý Mỹ cáo buộc gian lận và cũng chính là đại gia đã chi 6,2 triệu USD để mua… một quả chuối.
Justin Sun (1990), người sáng lập blockchain Tron, đã đầu tư 30 triệu USD vào dự án tiền số do gia đình ông Trump hậu thuẫn có tên World Liberty Financial vào tháng 11. Đáng nói, Sun đã rót tiền vào dự án đúng lúc dự án dường như gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu gây quỹ, gây nguy hiểm cho khoản thanh toán tiềm năng cho gia tộc ông Trump. Hiện Sun làm cố vấn cho World Liberty.
Có nhiều rắc rối đang bủa vây Sun. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã kiện Sun và ba doanh nghiệp của anh vào năm 2023. Cơ quan này cáo buộc Sun đã bán chứng khoán chưa đăng ký, thao túng giá token và trả tiền cho Lindsay Lohan cùng một số người nổi tiếng khác để quảng bá cho các kế hoạch của mình.
Đáng nói, suốt 7 năm qua, Sun đã liên tục có các hoạt động mờ ám trong thế giới tiền số. Biến động giá bất ổn và các vụ bê bối lớn có thể đã khiến một số người cùng thời với ông phải ra đi, nhưng Sun vẫn tiếp tục không hề nao núng trước những tranh cãi trong quá khứ và các cuộc giao tranh pháp lý.
Chỉ vài ngày trước khi đầu tư vào World Liberty, Sun đã chi hơn 6 triệu USD trong một cuộc đấu giá của Sotheby’s cho một tác phẩm nghệ thuật bao gồm một quả chuối được dán trên một bức tường trắng. Sau đó, anh này đã tổ chức một cuộc họp báo để giới thiệu bản thân đang ăn quả chuối đó.
Để thu hút sự chú ý, Sun cho biết: “Tôi muốn trở thành Elon Musk của thế giới tiền số. Mặc dù nghe có vẻ điên rồ hoặc quá sức với một số người, nhưng cuối cùng tôi nghĩ rằng rất nhiều thứ chúng ta làm sẽ có thể mang lại kết quả tuyệt vời”.
Theo Dennis Kelleher, CEO của Better Markets, một nhóm ủng hộ việc giám sát tài chính chặt chẽ hơn, khoản đầu tư vào World Liberty của Sun có vẻ như là một nỗ lực để lấy lòng chính quyền ông Trump sắp tới. “Nhưng đây là một vụ kiện rất nghiêm trọng”, ông nói. Những cáo buộc này “không phải là thứ mà ngay cả chủ tịch mới của SEC cũng sẽ dễ dàng bác bỏ”.
Người phát ngôn của Tron cho biết họ “phản đối mạnh mẽ những cáo buộc này và mọi hành vi sai trái”. Các công ty của Sun đã tìm cách bác bỏ vụ kiện.
Sun cho biết anh quyết định đầu tư vào World Liberty sau khi thấy ông Trump và các con trai của ông là Eric và Donald Jr. thúc đẩy mối quan tâm của họ trong việc “kết hợp tiền số và tài chính truyền thống”. Việc bán token của World Liberty không chỉ đơn thuần là đưa tài sản kỹ thuật số vào xu hướng chính thống.
Theo nguồn tin, tổ chức do gia đình ông Trump sở hữu sẽ kiếm được 75% doanh thu ròng nếu dự án huy động được 30 triệu USD.
Đến giữa tháng 11, World Liberty chỉ huy động được khoảng 20 triệu USD. Thế rồi sau đó, Sun tham gia, đầu tư luôn 30 triệu USD để đảm bảo rằng gia đình ông Trump sẽ nhận được khoản thanh toán của họ. “Tôi luôn muốn có thêm nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp tiền số”, Sun nói. Một phát ngôn viên cho biết các quyết định đầu tư của Sun không mang động cơ chính trị.
Sun đến Mỹ vào năm 2011 để học thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania. Anh ta trở nên say mê Elon Musk và Tesla. Và trong kỳ thi tuyển sinh vào trường Luật, anh đã biết tới bitcoin và bị cuốn hút vào tiền số – thứ sau này đã giúp thay đổi hướng đi sự nghiệp của Sun sau này.
Sun đã ra mắt blockchain Tron vào năm 2017 như một giải pháp thay thế nhanh hơn và rẻ hơn cho Ethereum, và đã bán 70 triệu USD token TRX của Tron trước khi Trung Quốc tuyên bố phương pháp gây quỹ này là bất hợp pháp và ban lệnh cấm. Năm 2018, đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã cáo buộc Sun sao chép sách trắng của mình.
Tron cũng trở thành điểm đến phổ biến cho các giao dịch sử dụng tether, đồng tiền ổn định lớn nhất thế giới.
Theo công ty phân tích tiền số TRM Labs, gần một nửa khối lượng tiền số bất hợp pháp đã xảy ra trên blockchain Tron vào năm ngoái. Tron hiện đang hợp tác với TRM để phát hiện hoạt động bất hợp pháp và đã giúp đóng băng khoảng 70 triệu USD tài sản trong năm nay. Là một blockchain, Tron không đánh giá ý định của người dùng, một phát ngôn viên của Sun cho biết.
Từ đó, Sun đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình vào mạng lưới các công ty và thu hút sự chú ý bằng mọi cách có thể.
Năm 2021, Sun đã lấy danh xưng “Ngài” sau khi giành được quyền bổ nhiệm đại diện cho Grenada tại Tổ chức Thương mại Thế giới, mặc dù quốc gia Caribe này đã hủy bỏ chức vụ của Sun.
Sun đã trả 28 triệu USD cho chiếc ghế ở hàng đầu tiên trên một tên lửa du lịch vũ trụ do Blue Origin của Jeff Bezos phát triển. Tuy nhiên, anh ta đã không thực hiện chuyến đi, với lý do xung đột lịch trình.
Khi đế chế tiền số FTX của Sam Bankman-Fried sụp đổ vào năm 2022, Sun đã tập hợp các nhà báo ở Singapore để tuyên bố rằng sẽ cân nhắc mua một số tài sản của sàn này. Dẫu vậy sau đó, đã không có thỏa thuận nào được đưa ra.
Lo sợ ảnh hưởng của Sun, Coinbase, sàn giao dịch tiền số lớn nhất Mỹ đã hủy niêm yết một token do BiT Global phát hành vào tháng này, với lý do “rủi ro không thể chấp nhận được” là đồng tiền này sẽ rơi vào tay Sun. BiT, được Sun tư vấn, đã kiện Coinbase về quyết định của mình. Người phát ngôn của Sun cho biết việc hủy niêm yết “thậm chí không phải là bằng chứng cho thấy bất kỳ hành vi sai trái nào” của Sun.
Sun thậm chí từng cố gắng đưa ra lập luận về tiền số với một trong những người phản đối thị trường này là Warren Buffett. Năm 2019, Sun đã đưa ra mức giá 4,6 triệu USD để có cơ hội dùng bữa tối với chủ tịch Berkshire Hathaway.
Tuy nhiên, Sun đã hoãn cuộc gặp vào phút cuối, sau đó thay đổi địa điểm. Đến khi cuộc gặp được lên lịch lại, Sun đã xin lỗi vì “tự quảng cáo quá mức” và “khuynh hướng thổi phồng sự việc”. Về phần mình, Buffett vẫn tránh xa bitcoin.
Nhưng gần đây Sun khẳng định: “Tôi nghĩ Warren Buffett đã phạm sai lầm”.