Cuộc đời và huyền thoại của Vincent van Gogh đã được bất tử hóa và ghi chép quá nhiều đến mức chắc hẳn những người quan tâm đến nghệ thuật đều đã biết tường tận. Được người em trai Theo tài trợ nuôi sống cả đời vì không bán được tranh, thiên tài nửa điên nửa khùng, thích cắt tai này đã tách khỏi trường phái ấn tượng đẹp đẽ, phổ biến để sáng tạo ra phong cách sống động, rực rỡ, độc đáo đến mức vào thời điểm đó, hầu hết những người sành sỏi nhất cũng không thể chịu đựng được khi nhìn vào.
Vincent van Gogh mất năm 1890, phá sản và vô danh ở tuổi 37 mà chưa bán được một bức tranh nào. Ngày nay, ông có lẽ là họa sĩ mỹ thuật nổi tiếng nhất hành tinh.
Bên cạnh những kiệt tác huyền thoại như Starry Night (Đêm đầy sao) , Café Terrace at Night (Cà phê vỉa hè trong đêm) , loạt tranh vẽ hoa hướng dương, một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông cũng phải kể đế At Eternity’s Gate (Tại cổng Vĩnh hằng) hay còn có tên gọi khác là Sorrowing Old Man (Ông cụ buồn bã).
“Bức tranh buồn nhất thế giới”
Đây là bức tranh sơn dầu được hoàn thành vào năm 1890 tại Saint-Rémy de Provence. Tác phẩm được hoàn thành vào đầu tháng 5 khi ông đang dưỡng bệnh sau một đợt tái phát sức khỏe nghiêm trọng khoảng hai tháng trước khi qua đời, với cái chết thường được cho là tự tử.
Nguồn cảm hứng cho tác phẩm là bức tranh Chủ Nhật tại Bệnh viện Chelsea của Hubert von Herkomer. Đây là một bức tranh cực kỳ phổ biến thời bấy giờ, mô tả một cựu chiến binh già gục chết. Danh họa Van Gogh đã xem bức tranh truyền cảm hứng đó vào năm 1875 khi ở Anh.
At Eternity’s Gate được giới mộ điệu nghệ thuật gọi là “bức tranh buồn bã nhất thế giới”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tranh vẽ một ông già ngồi trên ghế gục mặt xuống, hai tay ôm đầu, như thể đang khóc vì xúc động hoặc tuyệt vọng tột độ.
Hình ảnh đau đớn này được cho là ẩn dụ cho chính tác giả. Bức tranh toát lên sự giằng xé tinh thần của Van Gogh vào thời điểm đó, khi ông đang điều trị trong nhà thương điên.
Bức tranh At Eternity’s Gate của Vincent Van Gogh là một bản giao hưởng thị giác thực sự về sự chán nản và tuyệt vọng của con người. Đây là một tác phẩm sâu sắc của trường phái hậu ấn tượng, sử dụng bảng màu trầm tĩnh, u ám. Trong đó, Van Gogh nắm bắt được bản chất của sự cô lập, được thể hiện qua một ông già co ro, phó mặc bản thân cho nỗi đau buồn.
Bức tranh vừa là thể loại chân dung, vừa là cảnh, cho thấy nghệ sĩ đã thành thạo cách thể hiện cảm xúc thô sơ. Những nét cọ rộng, kết cấu thô và cách sử dụng màu sắc táo bạo là đặc trưng của Van Gogh, nhưng ở đây chúng truyền tải cảm giác choáng ngợp và cô đơn vẫn còn rất lâu sau khi người xem chiêm ngưỡng.
Ẩn ý sau tên gọi
Thế nhưng, At Eternity’s Gate không chỉ có thế. Một lớp ý nghĩa nữa và quan trọng không kém của nó đã được truyền tại qua chính tên tác phẩm: Tại ngưỡng cửa vĩnh hằng. Điều đó có nghĩa là vẫn có và mãi mãi có hy vọng. Con người có thể đang đau khổ nhưng rồi sẽ tìm được yên bình nhờ đức tin và sẽ được bước qua cánh cổng cõi vĩnh hằng sau khi qua đời.
Khi viết về At Eternity’s Gate vào năm 1998, nhà thần học người Mỹ Kathleen Powers Erickson đã nhận xét: “Cúi xuống với nắm đấm siết chặt trên khuôn mặt ẩn chứa sự thất vọng tột độ, chủ thể dường như chìm đắm trong đau buồn. Chắc chắn, tác phẩm sẽ truyền tải hình ảnh tuyệt vọng hoàn toàn nếu không có tựa đề tiếng Anh mà Van Gogh đặt cho nó, At Eternity’s Gate. Nó chứng minh rằng ngay cả trong những khoảnh khắc đau buồn và đau đớn sâu sắc nhất, Van Gogh vẫn bám chặt vào đức tin vào sự vĩnh hằng, điều mà ông đã cố gắng thể hiện trong tác phẩm của mình”.
Nói về ý tưởng và suy ngẫm của chính mình, danh họa viết: “Sự tồn tại của sự vĩnh hằng, là phẩm chất vô cùng xúc động có thể có trong cách diễn đạt của một ông già như vậy, mà có lẽ ông không nhận ra, khi ông ngồi lặng lẽ trong góc lò sưởi của mình. Đồng thời, có một cái gì đó quý giá, một cái gì đó cao quý, không thể dành cho những con sâu… Điều này hoàn toàn không phải là thần học – chỉ đơn giản là sự thật rằng người tiều phu, người nông dân trồng thạch nam hay người thợ mỏ nghèo nhất cũng có thể có những khoảnh khắc xúc động và tâm trạng khiến họ cảm thấy như đang ở trong một ngôi nhà vĩnh hằng, mà họ đang ở gần”.
Hiện kiệt tác này đang được trưng bày tại bảo tàng Kröller-Müller, Hà Lan, quê hương của Vincent van Gogh.