Bác sĩ Song Haiyan (Trùng Khánh, Trung Quốc) cho biết, ung thư tuyến tụy rất nguy hiểm, thậm chí được gọi là “vua trong các bệnh ung thư”. Bởi vì tuyến tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng ung thư tuyến tụy lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác. Khối u tụy hình thành âm thầm, thường phát hiện ở giai đoạn muộn, diễn tiến của ung thư tuyến tụy rất nhanh và tỷ lệ tử vong cũng rất cao. Thời gian từ khi phát hiện tới khi tử vong có thể chỉ là vài tháng.
Trong khi đó, bệnh lại dễ hình thành bởi những thói quen nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Hút thuốc, uống nhiều rượu bia là những nguyên nhân phổ biến gây ung thư tuyến tụy và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, bác sĩ Song nhắc nhở rằng còn có nhiều thói quen khác ít người để tâm cũng đang âm thầm “nuôi lớn” ung thư tuyến tụy như:
1. Ăn nhiều chất béo, đồ ngọt
Chế độ ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là việc tiêu thụ quá nhiều chất béo và đồ ngọt, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy. Chế độ ăn giàu chất béo, đặc biệt là các axit béo chuyển hóa, làm tăng mức độ viêm và rối loạn quá trình tiết insulin. Trong khi lượng đường cao dẫn đến sản xuất insulin dư thừa.
Cả hai yếu tố này đều thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào ung thư và làm suy yếu chức năng của tuyến tụy, tăng nguy cơ mắc bệnh. Kiểu ăn uống này cũng dễ dẫn tới thừa cân, béo phì – những yếu tố nguy cơ cao gây ung thư tuyến tụy.
2. Chịu đựng căng thẳng kéo dài
Căng thẳng mạn tính là một trong những yếu tố có thể gây hại cho cơ thể, bao gồm tuyến tụy. Khi cơ thể bị căng thẳng, hormone cortisol được sản sinh để đối phó, nhưng nếu mức cortisol duy trì cao trong thời gian dài, nó có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể, trong đó có tuyến tụy. Bác sĩ Song cho biết, căng thẳng kéo dài sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, gây viêm và tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển. Gồm nhiều loại ung thư chứ không chỉ là ung thư tuyến tụy.
3. Thức khuya, thiếu ngủ thường xuyên
Thức khuya và thiếu ngủ kéo dài có thể gây ung thư tuyến tụy do làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ và ảnh hưởng đến quá trình tái tạo tế bào. Khi cơ thể thiếu ngủ, mức độ hormone cortisol và insulin trong cơ thể tăng cao, gây căng thẳng cho tuyến tụy và làm rối loạn quá trình trao đổi chất. Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các tế bào ung thư.
Nghiên cứu từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy do sự rối loạn trong việc sản sinh hormone melatonin, một hormone giúp chống lại các tế bào ung thư.
4. Lười vận động
Một lối sống ít vận động và thiếu tập thể dục là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có ung thư tuyến tụy. Lười vận động làm tăng tỷ lệ béo phì, tạo ra các tình trạng như kháng insulin và viêm nhiễm, những yếu tố có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư. Theo chia sẻ của bác sĩ Song, tập thể dục không chỉ giúp giảm cân mà còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bao gồm ung thư tuyến tụy. Đồng thời, nó cũng giúp giảm căng thẳng và rối loạn hormone.
5. Lạm dụng thuốc
Ngoài gan, thận, dạ dày thì lạm dụng thuốc cũng âm thầm nuôi tế bào ung thư tuyến tụy. Đặc biệt là thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc thuốc kích thích hệ miễn dịch.
Bác sĩ Song giải thích, chúng gây hại cho tuyến tụy thông qua quá trình trao đổi chất của thuốc tạo ra các gốc tự do. Những gốc tự do này có thể kích thích các tế bào tuyến tụy, gây viêm và tổn thương tế bào. Việc lạm dụng thuốc kéo dài làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến nó dễ dàng mắc phải các bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tụy. Đồng thời, việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể làm rối loạn chức năng tuyến tụy, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor