Lời nói của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của con trẻ. Một số câu tưởng chừng như ngọt ngào và ấm áp, nhưng thực tế có thể gây hại cho tâm lý và nhân cách của trẻ.
Dưới đây là 4 câu “mật ngọt chết ruồi” phổ biến và những tác hại tiềm ẩn của chúng:
1. “Chỉ cần con vui, bố mẹ ủng hộ tất cả!”
Thoạt nghe, câu nói này thể hiện tình yêu vô điều kiện của cha mẹ, khiến trẻ cảm thấy được tự do và tôn trọng. Tuy nhiên, nếu cha mẹ nhấn mạnh câu này quá nhiều, trẻ có thể hiểu sai rằng “chỉ cần vui là đủ”, từ đó bỏ qua trách nhiệm, sự nỗ lực và các mục tiêu dài hạn. Thậm chí, khi cha mẹ không thể thực sự ủng hộ một quyết định nào đó, trẻ có thể cảm thấy bị phản bội.
Thay vì nói “Chỉ cần con vui”, người lớn có thể sử dụng những mẫu câu như “Bố mẹ ủng hộ quyết định của con, nhưng hy vọng con sẽ suy nghĩ kỹ để chọn điều tốt nhất cho tương lai” để vừa cho trẻ thấy cha mẹ luôn bên cạnh trẻ vừa cho trẻ cơ hội tự mình trưởng thành.
2. “Con là đứa trẻ giỏi nhất, bố mẹ tự hào về con!”
Câu nói mang tính khích lệ này sẽ làm trẻ cảm thấy mình đặc biệt và tràn đầy tự tin. Nhưng mọi thứ đều cần có chừng mực. Khi nghe quá nhiều lời khen như vậy, trẻ có thể trở nên phụ thuộc vào sự công nhận từ người khác hoặc sợ thất bại vì không muốn mất đi danh hiệu “giỏi nhất”. Một khi không đạt được tiêu chuẩn, trẻ dễ rơi vào tự ti.
Cha mẹ có thể khen trẻ, có thể động viện trẻ, nhưng nên nói một cách trung lập hơn, chẳng hạn như “Bố mẹ tự hào vì con đã rất cố gắng, bố mẹ tin con sẽ ngày càng tốt hơn”, như vậy sẽ tập trung hơn vào quá trình và sự nỗ lực của trẻ, cho trẻ không gian tiến bộ, thay vì đánh giá tuyệt đối.
3. “Con sinh ra là để mang niềm vui cho bố mẹ”
Bề ngoài, câu nói này thể hiện rằng trẻ rất quan trọng đối với cha mẹ, như một cách khẳng định “con được yêu thương”. Thế nhưng, nó cũng có thể trở thành một câu nói “độc hại” vì trẻ có thể nghĩ rằng giá trị cuộc đời mình chỉ là để làm hài lòng cha mẹ, dẫn đến việc hình thành tính cách sống để “lấy lòng” người khác và thiếu nhận thức về giá trị bản thân. Thậm chí, trẻ có thể cảm thấy tội lỗi khi không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ.
Để tránh những tác động tiêu cực này, cha mẹ hãy nói “Con là báu vật của bố mẹ, nhưng quan trọng hơn là con có một cuộc đời riêng, bố mẹ sẽ luôn ủng hộ con tìm ra con đường của mình”.
4. “Chỉ cần con ngoan, bố mẹ sẽ luôn yêu con”
Câu nói ngọt ngào này có thể khiến trẻ nghĩ rằng tình yêu của cha mẹ là vô điều kiện, chỉ cần nghe lời là sẽ nhận được sự quan tâm. Nhưng đồng thời, nó cũng có thể làm trẻ hiểu nhầm rằng tình yêu là có điều kiện, và chỉ khi ngoan mới xứng đáng được yêu. Điều này có thể khiến trẻ kìm nén cảm xúc thật, thiếu sự tự lập.
Khi muốn thể hiện tình cảm với con, cha mẹ có thể nói “Bố mẹ luôn yêu con, nhưng đôi khi bố mẹ hy vọng con nghe theo lời khuyên của bố mẹ vì điều đó tốt cho con”. Như vậy, cha mẹ sẽ vừa nhấn mạnh được rằng tình yêu là vô điều kiện, đồng thời có thể giải thích lý do đằng sau những lời khuyên hay lời căn dặn của mình cho con.
Làm sao để tránh những “mật ngọt chết ruồi” này?
Cha mẹ luôn muốn dùng lời nói để thể hiện tình yêu và sự khích lệ, nhưng cách diễn đạt không phù hợp có thể phản tác dụng. Có một số điều cha mẹ cần lưu ý khi giao tiếp với con cái:
1. Giao tiếp chân thật: Dùng các ví dụ cụ thể thay vì những lời hứa hẹn hoặc khen ngợi sáo rỗng, giúp trẻ cảm nhận được tình yêu và sự hỗ trợ thực tế.
2. Tập trung vào nỗ lực: Đánh giá cao quá trình thay vì chỉ quan tâm đến kết quả, tránh gây áp lực về sự hoàn hảo.
3. Tôn trọng cá tính riêng: Khuyến khích trẻ là chính mình, thay vì cố gắng đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
4. Mang lại cảm giác an toàn: Giúp trẻ hiểu rằng dù thành công hay thất bại, cha mẹ vẫn luôn yêu thương vô điều kiện.
Trẻ em không chỉ cần những lời nói ngọt ngào, mà hơn thế là sự quan tâm và hướng dẫn chân thành từ cha mẹ. Tình yêu thực sự không phải là viên kẹo bọc đường, mà là chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giúp các em phát triển lành mạnh và hạnh phúc.